Tiến sĩ Nguyễn Bách và những đầu sách đi tiên phong

(PLO)- Từ năm 1999, bộ Thuật ngữ âm nhạc Anh – Đức – Việt Ý – Pháp – Việt của tác giả Nguyễn Bách đã gây sự chú ý đặc biệt trong giới chuyên môn trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lần đầu tiên có một cuốn từ điển Việt Nam không sắp xếp mục từ theo thứ tự của bảng chữ cái mà theo số Ả Rập. Nhờ sáng kiến đó, các thuật ngữ ở 5 thứ tiếng khác nhau đều trở nên “bình đẳng”, tiếng nào cũng có thể làm chuẩn để tra cứu sang những ngôn ngữ còn lại.

TS Nguyễn Bách bên công trình Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc

TS Nguyễn Bách bên công trình Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc

Sau khi tốt nghiệp ngành Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện TP.HCM, Nguyễn Bách không chỉ hoạt động như một nhạc trưởng mà còn biên soạn nhiều tài liệu âm nhạc học bên cạnh bộ thuật ngữ nói trên cùng với không ít những công trình “đầu tiên” mang tính khai phá như:

- Thành lập tủ sách Âm nhạc điện toán (thuộc nhà xuất bản Âm nhạc năm 2002) với gần 10 đầu sách về công nghệ âm nhạc (viết về microphone, mixer, nghệ thuật chỉnh âm thanh, sổ tay kỹ thuật phòng thu v.v...).

- Biên soạn sách giúp trí nhớ về âm nhạc (không cấu trúc theo chương, bài mà chỉ gồm gần 80 bảng tổng hợp các vấn đề âm nhạc từ đơn giản đến phức tạp).

- Viết sách đầu tiên về thưởng thức âm nhạc (music appreciation) v.v...

Công trình Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc của ông chắc chắn đáp ứng được nhu cầu tham khảo, tìm hiểu về các mục từ âm nhạc cho giới chuyên môn cũng như người yêu nhạc trên cả nước.

Công trình Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc của ông chắc chắn đáp ứng được nhu cầu tham khảo, tìm hiểu về các mục từ âm nhạc cho giới chuyên môn cũng như người yêu nhạc trên cả nước.

Đặc biệt, ban biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã dùng cuốn sách Thuật ngữ âm nhạc Việt Anh Ý Pháp Đức (2011, tái bản lần 3 năm 2019) làm một trong các tài liệu tham khảo và chọn cuốn sách Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng (2010) của ông làm một mục từ trong phần “Sách, tạp chí”. Ông cũng là một thành viên chính thức của ban biên soạn này.

Là một người sinh ra, trưởng thành và hoạt động âm nhạc ở miền Nam nhưng Nguyễn Bách lại bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Trong 20 năm tính đến năm 2020, Học viện Âm nhạc Quốc gia có được 41 tiến sĩ âm nhạc học. Nguyễn Bách là một trong số đó và là một trong ba nghiên cứu sinh từ Nhạc viện TP.HCM ra Hà Nội bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Đây là một điều thuận lợi cho ông để hiểu được những khái niệm, cách gọi khác nhau mang tính địa phương đối với một số thuật ngữ âm nhạc chuyên ngành, chẳng hạn “đa âm – phức điệu”, “âm thể – giọng, cung”, “âm giai – thang âm”, v.v...

TS Nguyễn Bách giao lưu với bạn đọc

TS Nguyễn Bách giao lưu với bạn đọc

Từ nhiều năm qua, âm nhạc đã là đối tượng nghiên cứu, sáng tạo của nhiều công trình, từ nhiều tác giả nhưng vẫn còn thiếu một cuốn từ điển giải thích chính xác, khách quan, tương đối đầy đủ, đề cập đến những khái niệm quan trọng cũng như đặc điểm phát triển âm nhạc qua các thời kỳ.

Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc của Nguyễn Bách (gồm mục từ của nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Ý, Pháp, Đức, Latin, Hy Lạp và Tây Ban Nha) đã làm được điều đó.

Đối tượng khảo sát của cuốn từ điển này là những từ và nhóm từ mang nội hàm cần được giải thích không chỉ cho những ai mới tiếp xúc với âm nhạc mà còn cho cả những người đã trải qua nhiều thực hành âm nhạc.

Cuốn Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc này giúp cho người học nhạc, người chơi nhạc, người yêu nhạc tiếp cận được những giải thích có cơ sở về lý thuyết và khái niệm cơ bản trong những vấn đề (mục từ, chủ đề) liên quan.

Cho đến nay, ngoại trừ cuốn Thuật ngữ Âm nhạc Việt–Anh– Ý–Pháp– Đức (tái bản năm 2019) cũng của tác giả Nguyễn Bách, chưa có cuốn từ điển nào của Việt Nam đề cập đến những thuật ngữ về “Công nghệ Âm nhạc”.

Nội dung đó được tiếp tục khai thác trong Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc mà ông mới cho xuất bản vào năm 2022.

Ngoài ra, trong cuốn từ điển này còn có phần “Âm nhạc cổ truyền” nhưng chỉ tập trung vào dân tộc Việt hoặc những dân tộc khác nếu có yếu tố hay sự kiện đặc biệt liên quan.

Ví dụ, hát then với sự kiện được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, cuốn từ điển này còn có tính cập nhật khi đưa vào những dữ liệu và sự kiện âm nhạc gần đây nhất như sự kiện ca trù được UNESCO công nhận là “di sản nhân loại” (1-10-2020) hoặc ngày mất các nhà soạn nhạc Mario Davidovsky (23-8-2019), Krzysztof Penderecki (29/3/2020), Nguyễn Văn Nam (17/5/2020) v.v...

Bên cạnh đó, 17 phụ lục của sách với gần 60 trang có thể được coi như “cánh tay nối dài” của từ điển chứ không đơn thuần là một phần phụ để tham khảo.

TS Nguyễn Bách ký tặng sách cho bạn đọc

TS Nguyễn Bách ký tặng sách cho bạn đọc

Là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người sáng lập hệ thống Trường Âm nhạc B.A.C.H và đã từng là giảng viên trong 11 năm của Nhạc viện TP.HCM, TS Nguyễn Bách có cơ hội tiếp xúc nhiều với những khái niệm âm nhạc trong và ngoài hệ thống âm nhạc kinh viện. Đây là những trải nghiệm cần thiết cho công tác biên soạn từ điển chuyên ngành.

Cách đây 7 năm, trong bài viết “4 nhạc sĩ suốt đời với âm nhạc” đăng trên báo Lao động, nhà báo đã coi tác giả Nguyễn Bách như là người có tấm lòng làm cho những quan niệm giáo điều, những khu vực “đền thiêng” của âm nhạc kinh viện trở nên dễ hiểu, rất thiết thực với mọi người, nhất là những ai “ngoại đạo” với âm nhạc.

Nói về Nhạc trưởng - TS Nguyễn Bách, NSND Tạ Minh Tâm đã từng nhận xét: “Có thể trong công chúng ít biết đến Nguyễn Bách, nhưng trong giới chuyên môn nhiều người rất ngưỡng mộ tài năng và sự uyên bác của anh trong lĩnh vực âm nhạc...”.

Gần đây, khi chọn TS Nguyễn Bách làm một trong những nhà chuyên môn để đọc và nhận xét cho luận án tiến sĩ của mình, nghiên cứu sinh Lê Hồ Hải, Quyền trưởng khoa Piano của Nhạc viện TP.HCM đã thổ lộ: “Được một nhà biên soạn tự điển có lời khen ngợi như vậy thì thật là cảm kích…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm