Tiền thu lợi bất chính, tính sao cho đúng?

TAND thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) vừa tuyên phạt Lê Văn Kỉnh 24 tháng tù về tội tổ chức đánh bạc. Tại phiên tòa, một vấn đề được tranh luận khá căng: Công tố viên cho rằng phải cộng dồn tiền thu lợi bất chính làm căn cứ truy tố nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo không đồng ý…

Cộng dồn mỗi ngày một ít

Công tố viên cho biết từ tháng 9-1999 đến 28-8-2002 (gần ba năm), Kỉnh tổ chức chơi đánh đề nhiều lần, thu của người chơi hơn 1,5 tỉ đồng, chi thưởng hơn 1,4 tỉ đồng. Trừ chênh lệch, bị cáo đã thu lợi bất chính gần 112 triệu đồng, thuộc trường hợp “thu lợi bất chính đặc biệt lớn” theo khoản 2 Điều 249 BLHS (bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm).

Tranh luận lại, luật sư bào chữa cho rằng Nghị quyết 01 (ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) chỉ hướng dẫn số tiền bao nhiêu là “thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” chứ không hướng dẫn về cách tính số tiền này. Tuy nhiên, hướng dẫn này phải được hiểu: Số tiền thu lợi bất chính chỉ được tính trong một ngày theo định kỳ kết quả xổ số. Ở đây, hành vi của bị cáo độc lập, lặp lại nhiều lần. Công tố viên phải xem xét hành vi ở ngày nào cấu thành tội phạm để suy ra số tiền bất chính chứ không thể cộng dồn. Tính như vậy là không đúng, gây bất lợi cho bị cáo.

Công tố viên khẳng định pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về cách tính tiền thu lợi bất chính nhưng quan điểm của VKS là phải cộng dồn.

Lập luận trên của công tố viên được HĐXX chấp nhận và sau đó đã tuyên phạt bị cáo Kỉnh mức án như trên.

Phải hướng dẫn rõ

Bàn về vụ án cũng đã có hai luồng quan điểm khác nhau. Luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng thực tiễn xét xử từ trước nay, các cơ quan tố tụng đều dùng phương pháp cộng dồn để tính số tiền thu lợi bất chính của bị cáo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản nào cho phép được cộng dồn nên cách tính này là thiếu căn cứ. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, các cơ quan tố tụng cần phải bỏ cách tính này.

Ngược lại, ThS Mai Khắc Phúc (giảng viên môn Luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM) bảo cộng dồn là phù hợp vì nếu không cộng dồn thì sẽ không cân xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Mặt khác, nếu không cộng dồn sẽ không công bằng khi người chỉ tổ chức một lần nhưng thu lợi bất chính đặc biệt lớn thì bị xử lý nặng còn người tổ chức nhiều lần nhưng số tiền thu lợi bất chính ở mỗi lần không đặc biệt lớn lại bị xử nhẹ.

“Tuy nhiên, để tránh tranh cãi trong việc áp dụng, tôi cho rằng TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể hơn” - ThS Phúc đề nghị.

“Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” được xác định như sau:

● Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng là thu lợi bất chính lớn.

● Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 90 triệu đồng là thu lợi bất chính rất lớn.

● Thu lợi bất chính từ 90 triệu đồng trở lên là thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

(Trích khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01 ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới