Sau gần một tháng xuất hiện các vết nứt, ngày 20-8, toàn bộ mặt đường quốc lộ (QL) 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang đã sụp hoàn toàn xuống sông Hậu.
Phương án gia cố không hiệu quả
Vào khoảng 4 giờ sáng 20-8, điểm sạt lở trên QL91 tiếp tục mở rộng, ăn sâu vào bờ khiến đoạn đường dài hơn 30 m bị trôi hoàn toàn xuống sông Hậu. Trước đó, vào lúc 0 giờ 38 phút ngày 1-8, khu vực này đã xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đường. Không lâu sau đó, hơn một nửa diện tích mặt đường đã sạt lở nặng, kéo dài đến hơn 85 m, đe dọa sự an toàn của 26 hộ dân.
Trước tình hình sạt lở diễn biến nguy hiểm, UBND huyện Châu Phú đã vận động 11 hộ trong vùng tạm thời di dời đến nhà người quen ở khu vực an toàn, khuyến cáo bà con tuyệt đối không được ngủ lại trong nhà. Song song đó, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ tại đoạn đường trên để hướng dẫn, cảnh báo người dân không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đối với đoạn sạt lở, từ đầu tháng 8, giải pháp ngành chức năng đưa ra để khắc phục sự cố nhằm ổn định mái dốc, cao trình là sử dụng bao tải cát với định mức 23 bao/m2. Tổng lượng cát để xử lý tại vị trí sạt lở là 34.000 khối cát, chi phí khắc phục sự cố là hơn 25 tỉ đồng. Phạm vi công trình được xử lý khẩn cấp bằng phương án thả bao tải cát là 160 m (chiều dài phần đã sạt lở là 85 m cộng với phần tiếp giáp về hai phía thượng lưu và hạ lưu là 75 m).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang, đến ngày 17-8, khi đơn vị thi công thả bao cát được khoảng 90% khối lượng theo chỉ dẫn của tư vấn thiết kế, đến phần tạo mái dốc thì lại bị trượt hết xuống sông. Do đó, sáng 19-8 đã phải tạm dừng thi công, giao cho tư vấn thiết kế khảo sát lại địa hình đáy sông và hai hố khoan địa chất để đánh giá, đưa ra giải pháp khác.
Trong diễn biến mới nhất, UBND tỉnh An Giang vừa có quyết định tạm ứng 24 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông để xử lý vụ sạt lở xảy ra trên QL91.
Hiện trường sạt lở ngày 20-8. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Đơn vị thi công dùng bao cát thả xuống sông Hậu lấp hố xoáy khắc phục sạt lở. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Càng lấp càng lở?
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập các hệ sinh thái ĐBSCL, điểm sạt lở ở QL91 vừa qua là đoạn sông có chiều ngang hẹp. Để cân bằng năng lượng, dòng chảy buộc phải chảy nhanh hơn, hoặc đào sâu đáy sông, hoặc ăn vào bờ. Tại đoạn sông cong, dòng chảy từ trên xuống có quán tính đi thẳng nhưng buộc phải đổi hướng nên lực ly tâm làm đường tim sông không đi giữa sông mà dịch vào gần bờ bên lõm. Dòng chảy va đập vào bờ phía vịnh làm mực nước bên vịnh cao hơn bên doi. Do vậy, mực nước phía vịnh bị trọng lực kéo xuống, tạo ra dòng chảy xoắn thứ cấp, nạo đáy sông và chân bờ sông, hình thành vực thẳm dưới đáy sông tại đây. Dòng chảy càng thiếu bùn cát thì sẽ càng tạo ra vực sâu.
Thông tin tra cứu trên Cổng thông tin Tổng cục Phòng, chống thiên tai ngày 20-8 cho thấy toàn tỉnh An Giang có tổng cộng 22 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 68 km. |
“Dòng sông khi có điểm gây sạt lở thì đó là điểm hợp lý theo dòng chảy, nếu bị trám lấp lại tức là tiếp tục bị trạng thái mất cân bằng. Do đó, nó buộc phải phá vỡ công trình trám lấp, đào sâu đáy sông hoặc ăn sang phía bờ kia. Việc lấp hố xoáy là ngược quy luật tự nhiên, không đảm bảo an toàn về lâu dài, cần cân nhắc giải bài toán so sánh, đánh đổi trước khi thực hiện” - ông Thiện nhận định.
Theo ông Thiện, đối với đoạn sạt lở QL91, để tránh lãng phí, ngành chức năng cần cân nhắc thêm các phương án “rút lui” như tái định cư, làm đường tránh và nắn dòng, dời tim sông ra giữa sông.
Liên tục ban bố tình huống khẩn cấp Từ tháng 6, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tài sản, đe dọa đến cuộc sống của gần 100 hộ dân. UBND tỉnh An Giang liên tục ban bố tình huống khẩn khấp về sạt lở ở nhiều nơi. Chỉ riêng tuyến bờ dọc sông Hậu, chưa đầy một tháng tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp ở ba điểm gồm tuyến QL91, tuyến bờ sông Hậu thuộc xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) và xã Vĩnh Trường (huyện An Phú). Trong đó, đê bao tiểu vùng xã Vĩnh Trường là tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn độc đạo bao quanh cù lao Vĩnh Trường, bảo vệ sản xuất cho diện tích 900 ha và đời sống của 3.702 hộ dân. Từ năm 2017 đến nay đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đê Vĩnh Trường tại ấp Vĩnh Bình. Đơn cử như vụ sạt lở ngày 4-9-2018 với chiều dài 222 m, ăn sâu vào đất liền đến 9 m, gây sạt lở mái đê và mái sông thẳng đứng rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông trong vùng. |