Nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn (hiện sinh sống ở Pháp) đã chọn kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với dàn nhạc Tây phương làm sự nghiệp. Kết quả là anh đã gặt hái được thành công cả về chuyên môn lẫn thương mại.
Nghệ sĩ Trí Nguyễn (bìa trái) trình diễn cùng tứ tấu đàn dây phương Tây. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Giải vàng âm nhạc toàn cầu
Từ thị hiếu người nghe trên thế giới, mỗi tác phẩm hay ca khúc trên iTunes thường có giá 0,99 USD/bài nhưng với nhiều ca khúc của Trí Nguyễn trong album Consonnances (Hòa điệu) được iTunes đẩy giá lên 1,38 USD/bài. “Những tác phẩm đó không chỉ bán để nghe trên iTunes mà còn được iTunes bán cho những người sử dụng điện thoại iPhone của Apple làm nhạc chuông (funring)” - nghệ sĩ Trí Nguyễn cho biết.
Trước khi iTunes tìm đến thì album Consonnances của Trí Nguyễn đã nhận được Giải Vàng tại Giải thưởng âm nhạc toàn cầu (Global Music Awards - Mỹ) và được bình chọn là một trong ba album được yêu thích nhất tại trang mạng của tổ chức này vào tháng 7 vừa qua. Để một “đại gia” về kho nhạc trực tuyến như iTunes để ý hay nhận được giải của Global Music Awards không phải là điều đơn giản mà đó là một hành trình nỗ lực của nghệ sĩ Trí Nguyễn.
Từ năm tuổi, Trí Nguyễn đã học đàn piano lẫn đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM). Nhưng với đam mê nhạc truyền thống, anh ôm đàn đến học nghề tận nhà nghệ sĩ Hai Biểu - người được xem là người đứng đầu sử dụng cây đàn tranh. Sau đó anh tiếp tục theo học tại Trường Sư phạm âm nhạc Paris (Pháp).
Có một đĩa nhạc cổ điển Việt Nam
Mang trong máu đàn tranh và học thêm nhạc Tây nên mỗi khi thấy nhạc truyền thống Việt Nam bị “hắt hủi” ở các tiệm đĩa lớn trên thế giới, nghệ sĩ Trí Nguyễn vô cùng xót. “Người đi nghe nhạc truyền thống Việt Nam tại các buổi diễn của nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài hầu hết là người gốc Việt. Dường như theo truyền thống của âm nhạc châu Á, nhạc quốc gia nào thì quốc gia đó chơi như nhạc Việt chỉ người Việt mới chơi và nghe nhạc Việt. Rất hiếm người Hàn Quốc, Nhật… chơi nhạc Việt Nam và ngược lại. Nhưng với truyền thống Tây phương thì như nhạc Chopin, mọi nước Tây phương đều chơi. Tại sao Việt Nam không có những buổi biểu diễn nhạc kéo người nước khác bỏ tiền mua vé coi?” - nghệ sĩ Trí Nguyễn tâm tư.
Từ những ưu tư này nghệ sĩ Trí Nguyễn đã quyết đem nhạc truyền thống Việt Nam lên một tầng nấc mới. Những bản nhạc trong cải lương, nhạc tài tử Nam Bộ như Khóc Hoàng Thiên, Khổng Minh Tọa Lầu, Trăng Thu Dạ Khúc, Nam Ai; Ái Tử Kê, Tử Qui Từ… đã được nghệ sĩ Trí Nguyễn hòa cùng những trích đoạn trong tác phẩm của các nhà soạn nhạc Tây phương như Vivaldi, Beethoven, Mussorgsky… Ở những bản nhạc này, các nhạc cụ của nhạc Tây như violon, viola, cello và các nhạc cụ thuộc bộ gõ đã làm nền cho đàn tranh Việt.
Điều làm album Consonnances được xếp bán tại iTunes ở hạng mục Classical (âm nhạc cổ điển) chứ không phải âm nhạc truyền thống của các nước chính là việc anh buộc nhạc cụ Tây phương nương theo tiếng đàn tranh Việt. “Nhiều nghệ sĩ dùng nhạc cụ dân tộc Việt Nam để chơi nhạc Tây, tôi cũng vậy nhưng tôi lấy đàn tranh làm chính, nhạc cụ Tây được phối bè theo. Tôi vẫn sử dụng phương thức chú âm cổ theo ngũ cung, thay vì chú âm theo hệ thống nốt nhạc phương Tây” - nghệ sĩ Trí Nguyễn chia sẻ.
Có lẽ từ đó, với album đầu tiên trong sự nghiệp nhưng Trí Nguyễn đã ghi dấu được tên tuổi của mình với âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng như quốc tế.
Vào 9 giờ ngày 31-10 tại Cà phê thứ Bảy (19B Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM) sẽ diễn ra buổi nói chuyện và biểu diễn của nghệ sĩ Trí Nguyễn (ảnh) với chủ đề: Về cuộc trò chuyện của hai cây đàn: Đàn tranh và piano, một song tấu Đông - Tây. Chương trình do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì. Trong tháng 12 sắp tới, nghệ sĩ Trí Nguyễn cũng được mời góp sức cho bản nhạc chung của nhiều quốc gia tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu - Paris 2015/COP21 diễn ra tại Pháp. Ở phần nhạc truyền thống Việt Nam trong bản nhạc chung này anh sẽ trình diễn cùng nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Họ đã nói Bậc thầy đàn tranh Trí Nguyễn, một đại sứ cho âm nhạc truyền thống Việt Nam, từng nốt nhạc trong album Consonnances như diễn giải lịch sử hình thành của đàn tranh, cũng như câu chuyện đằng sau mỗi bản nhạc truyền thống của Việt Nam. TIM WOODALL, nhà phê bình âm nhạc của tạp chí chuyên về âm nhạc Songlines |