Có dịp tạt qua những bòn (làng) Cư Die ở vùng Lắk vào dịp tết, em sẽ chứng kiến những chàng trai, cô gái M’nông dựng lều, đốt lửa, đờn hát, nhảy múa thật yêu đời. Những cái lều bằng cỏ tranh, vách bằng lá cây đủng đỉnh, lồ ô trông tạm bợ làm sao. May mà lối chơi đờn tự nhiên bản năng cùng tiếng hát hoang dại của các bạn đã đánh bạt sự dã chiến, lếch thếch của cái lều.
Các bạn chơi tết còn... “tết” hơn cả người Kinh, dù hội hè truyền thống của người M’nông là dạo đón lúa mới về, dịp bỏ mả, hay cúng ruộng, cúng rẫy, bến nước, chứ không phải kỳ tết Nguyên đán của sắc dân bạn. Từ ngày 20 tháng Chạp, các bạn đã chuẩn bị củi chất sẵn thành đống bên bìa rẫy, góc bòn. Cách đờn hát của các bạn là phải có đống lửa - không thể bứng âm nhạc ra khỏi đống lửa. Con trai nào ở đây cũng ưa đánh đờn và hát điệu nghệ những bản nhạc trẻ đang “hot”, cứ như ai đó đã cài sẵn cái gen âm nhạc trong các bạn rồi. Các bạn ê hề năng lượng và các bạn quá yêu đời. Đến mức khi những ngày tết đã tàn, người Kinh đã trở lại nhịp sống thường nhật thì tối đến các bạn vẫn còn đốt lửa và tiếng đờn ca cứ vang vọng khắp núi rừng. Người sống trong thiên nhiên hình như yêu cuộc sống tha thiết và lạc quan hơn người thành thị.
Và em cứ mạnh dạn bước xuống những bè đánh cá trong rừng kia. Ở đó luôn có những cây đờn. Tiếng đờn sẽ vang lên bất cứ lúc nào người ngư phủ rảnh tay, ngẫu hứng. Người theo sông hồ, đờn theo người. Tiếng đờn ôm lấy thiên nhiên, giỡn với mưa, với nắng…
Những vách núi bên lòng hồ thủy điện như những bức tường của phòng thu khiến cho tiếng đờn cứ la đà mặt nước. Nó chống lại màn đêm thanh vắng. Mọi tiếng động của hồ nước giữa rừng tụ lại nơi tiếng đờn. Nó như nói con người luôn yêu cuộc sống và ngư phủ là kẻ yêu đời siêu phàm.
Thứ nhạc họ hay đờn thuộc thể điệu boléro, rumba, slowsurf… Có người chơi hay, có người chơi thường, lời bài hát bình dân, dễ hiểu nhưng tâm tình thì xoáy tận tâm can. Có khi nổi hứng gì đó thì họ chơi cải lương, lúc xuống xề nghe ngọt tựa mía lùi. Đa phần dân đánh cá lưu lạc cao nguyên này là người từ miền Tây sông nước mà.
Ở các bãi vàng sa khoáng hay bãi đá saphir, bãi thiếc tận rừng sâu, tiếng đờn guitar còn nhiều hơn nữa, vào các buổi trưa và đêm về. Mượn cây đờn, họ hát lao xao chốn thâm u. Họ biến cả những cái mâm đãi vàng, thanh rây, muỗng, đũa... thành nhạc cụ để hòa âm. Họ ca khá chuẩn nhiều bài hát và chế lời mọi bài hát. Họ chọc phá cả âm nhạc, hay là họ đang làm cho các bản nhạc phù hợp với tâm trạng hoặc tầng mức văn hóa của mình.
Đào đãi khoáng sản giữa rừng nguyên sinh đã là bất hợp pháp, mà không chừng trong số họ có người là tội phạm đang bị truy nã. Chuyện phạm pháp của họ là một khía cạnh khác của xã hội thế tục, ở đây chỉ nói về tâm hồn của họ. Rừng núi bờ bãi ở quá sâu nên họ nghĩ tiếng đờn không lọt ra ngoài. Họ rất sợ người lạ nhưng lại thả rông tiếng đờn. Có thể họ chủ quan nhưng họ cần phải đờn hát. Họ hát cho hả nghịch cảnh và số phận trốn chui trốn nhủi của họ. Cuộc đời bình thường của họ dù chưa có lối ra nhưng có khi họ xem đây là phần “lãi” cuối cùng - ân huệ bao dung của trời đất.
Không biết trong tiếng đờn của họ có sám hối nào không nhưng đằng sau vẻ ngược ngạo, khinh đời và kiêu bạc mà họ cố tỏ ra vẫn lấp ló niềm hy vọng và cầu mong sự chở che nào đó. Không khó để cảm nhận sự thăng hoa trong âm nhạc tả tơi giữa chốn rừng thiêng nước độc thế này. Dường như âm nhạc đã ân xá cho họ. “Khi cô đơn đã thành hình án/ Giữa núi rừng còn rao bóng phù hoa”. Đôi khi tiếng đờn có thể kéo nhân tính trở lại cho những tâm hồn cằn khô, lầm lạc.
Ở trần gian, con người có thể ác, chứ tiếng đờn thì không. Âm sắc lạnh của bạc vàng, đất đai nó đẩy người ta ra xa, còn tiếng đờn nó kéo người ta lại, ngồi xuống. Và thanh lành hiện hữu nơi rẫy cà phê, vườn sầu riêng. Khi tiếng đờn vang lên, người ta mới rõ “quyền lực” của âm nhạc. Cái nắng nóng của mùa khô nơi núi đồi chợt nhẹ đi đôi phần.
Đờn đi, đờn cho trời đổ mưa để bớt tưới. Hát đi, hát cho giá phân bón hạ xuống và phân giả không lọt vào đây. Đờn đi, đờn ngay tại gốc cà phê để không còn cảnh được mùa mất giá… Ngày mai, bình minh lên, tính tiếp.
Tiếng hát mang hơi thở của thời tiết. Tiếng đờn mang sắc màu của đất đai. Đờn ca không đánh bạt được cần lao nhưng làm khô những giọt mồ hôi đang ướt. Đờn là cách để xả ly. Hát là để rửa bớt phàm phu. Hình như chỉ có lúc đờn hát là con người mới thật sự rất người.
Âm nhạc chỉ có bảy nốt mà tạo nên cả thế giới thanh âm mênh mang, đưa người ta vào cõi bao la. Đờn ca là đang thở. Âm nhạc như không khí. Đờn, có lúc trật nhịp nó mới... tình. Hát, có lúc lạc điệu nó mới... đời. Hát cho chính mình nghe, có phải để chim muông, thú rừng chấm điểm đâu mà lo. Giữa thiên nhiên, con người ta thành thật, vô tư, mỏng manh và thính nhạy hơn hết thảy. Âm nhạc, vì thế, đầy màu xanh.