Tiếng hát mãi xanh - Hoa nở muộn

Chương trình hoàn toàn khác biệt so với các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên sóng truyền hình, bởi đây vẫn là thi hát nhưng cái chính là để chơi vì tìm lại chính mình. Cuộc thi đã vào mùa thứ sáu.

Hát cho… khỏe phổi

Đầu năm nay, bộ phim Em là bà nội của anh từng thu về hơn 102 tỉ đồng doanh thu bởi câu chuyện của một “bà nội” già được biến hình trở về thuở tuổi trẻ để được làm ca sĩ, được hát những bản nhạc tình mình yêu thích. Đó là chuyện phim nhưng cũng là chuyện thật của rất nhiều người trong đời thực này. Và Tiếng hát mãi xanhđang là sân chơi giúp những người tuổi trung niên trở lên nối dài ước mơ ca hát mà đôi khi trong quãng đời tuổi trẻ vì mưu sinh, vì đời sống mà họ đã tạm gác sang một bên sở thích của mình.

Như thí sinh Đỗ Minh Tuấn là chủ một tiệm cơm tấm khá đông khách trên đường Lý Chính Thắng (TP.HCM). Đến với cuộc thi, từ giờ tập đến lên sân khấu anh luôn hát như chưa bao giờ được hát, hát một cách say sưa. Anh nói: “Bởi tuổi trẻ đã dành quá nhiều thời gian cho công việc làm ăn, lo cho con cái nên tôi không có thời gian. Giờ tôi không phải lo lắng chuyện kinh tế gia đình nữa nên hát để trút đam mê”.

Tương tự là anh bảo vệ ở chợ Thủ Đức tên Dương Công Danh. Anh Danh làm bảo vệ ở chợ đã hơn 20 năm, đến với Tiếng hát mãi xanh đã là lần thứ năm. Và mục tiêu của anh rõ ràng hơn các thí sinh khác đó là để “được nhiều người biết đặng đi hát chuyên nghiệp” - anh Danh nói.

Hàng loạt thí sinh U-70 như Đỗ Thị Đài, Hoàng Cao Kết, Trần Ngọc Hạnh, Nguyễn Văn Minh… ở khắp mọi miền đến Tiếng hát mãi xanh để cuộc sống họ thêm vui tươi, lạc quan hơn và luyện buồng phổi tốt hơn.

Thí sinh Nguyễn Thế Anh (78 tuổi) đã đến với chương trình đủ cả sáu mùa, mỗi mùa thi là mỗi mùa cụ thay đổi để hát, biểu diễn tốt hơn (ảnh trái) và thí sinh Đỗ Minh Tuấn sau thời tuổi trẻ dành cho gia đình, bây giờ kinh tế khá hơn, anh thêm thời gian cho đam mê ca hát (ảnh phải). Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Ấm áp không cần hát to

Trong tập đầu tiên chương trình phát sóng, Tiếng hát mãi xanh không gây bão trên mạng xã hội hay truyền thông như các chương trình thi ca hát, truyền hình thực tế khác. Thế nhưng lẩn khuất đâu đó là những chia sẻ rất tình cảm của khán giả.

Như khán giả Đỗ Duy viết trên Facebook của anh: “Không cần nói to và hát to cho ra vẻ truyền hình thực tế, chỉ cần anh hát lại đi, giảm phần công lực của anh lại, hát tình cảm hơn, tui sẽ cho anh 1 điểm, còn không là ra về không hối tiếc nha! Ấm áp, hấp dẫn biết bao nhiêu”.

Đúng là không cần phải hát to, hát rõ quá bởi những người đến với Tiếng hát mãi xanh đã quá tuổi để to rõ, dẫu nhiều thí sinh dư sức làm điều đó. Họ xem chương trình là sân chơi để như là nơi đến tìm những bạn cùng hàn huyên, có dịp lên ca vài bài cho đã.

Vì thế, mùa thứ sáu của chương trình chứng kiến sự miệt mài trở lại của rất nhiều thí sinh như thí sinh Trần Ngọc Hạnh. Theo chia sẻ của thí sinh này thì “tôi trở lại sau lần thi đầu tiên cách đây đúng ba năm bởi ngày đó ca sĩ Lan Ngọc có dặn tôi hãy về tập thêm ba năm nữa hẵng quay lại với sân chơi này”. Ba năm với người trẻ để tập thanh nhạc hay luyện ở nhà bằng karaoke cũng chẳng là gì nhưng với những người U-70 thì đó là một nỗ lực rất đáng để nể trọng.

Danh ca Tuấn Ngọc và ban giám khảo đã lặng người khi nghe thí sinh Nguyễn Thế Anh (78 tuổi) thể hiện trọn vẹn ca khúc Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh). MC Quỳnh Hương, thành viên ban giám khảo, từng chia sẻ: “Bác Thế Anh mỗi mùa xuất hiện là mỗi mùa làm êkíp xúc động, có thi rớt bác cũng không nản, bởi mỗi lần thi là một lần cố gắng để không lặp lại những điều ban giám khảo từng góp ý. Bác đi chậm nhưng vững vàng từng bước đi. Ở tuổi của con mà sau mỗi năm mình quyết tâm làm điều gì để tiến bộ hơn đã là không dễ. Cho nên năm nay để bác tiếp tục dự thi mà thi lại từ vòng đầu tiên thì bác đã phải nỗ lực rất nhiều”.

Có lẽ Tiếng hát mãi xanh là sân chơi duy nhất cho người chơi thấy được dẫu thanh xuân qua đi thì tình yêu vẫn được tiếp nối.

Nó như câu chuyện ánh mặt trời vụt sáng một lần thật rực rỡ trước khi tắt lịm vào cuối ngày, bởi với tuổi già, có ai biết được gió thổi tắt khi nào…

Xóa bảng tuổi tác

Đây là năm đầu tiên Tiếng hát mãi xanh xóa các bảng tuổi để tạo điều kiện cho nhiều thí sinh ở chặng tuổi cuối các bảng của các năm trước lộ diện. Chính những thí sinh lớn tuổi này đã làm cho mùa giải năm nay thú vị hơn bởi giám khảo lẫn khán giả được cảm nhận ca khúc bằng trải nghiệm đời sống với những thăng trầm của họ…

Sân chơi này không chỉ ca hát mà là nơi để thí sinh sửa soạn lại mình, chăm chút bản thân hơn từ bộ áo dài, bộ đồ vest. Có lẽ vì thế mà giám khảo Tuấn Ngọc, người lần đầu tiên ngồi ghế nóng chương trình này, đã đề nghị bổ sung tên chương trình thành Tiếng hát mãi xanh - Hoa nở muộn bởi không ít thí sinh có giọng hát hay mà còn có ngoại hình xinh đẹp so với tuổi.

______________________________

Ba giám khảo cho biết tiêu chí năm nay để chọn quán quân là đặt trọng tâm vào cảm xúc, để tìm ra những giọng ca thật sự lay động lòng người chứ không nhất thiết đề cao quá kỹ thuật thanh nhạc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm