Tiếp sức cho ngư dân bám biển

Từ 1-6 đến 8-6, Tuần lễ biển, đảo 2010 sẽ được long trọng tổ chức tại Quảng Bình với nhiều hoạt động như tái hiện lễ cầu ngư, hội chợ triển lãm và xúc tiến thương mại kinh tế biển... Tất cả địa phương trong nước cũng sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Tuy nhiên, để Tuần lễ biển, đảo có ý nghĩa thực sự thì không thể không dành sự quan tâm lớn nhất cho ngư dân - những người đang ngày đêm bám biển mưu sinh, thực hiện chủ quyền biển, đảo của tổ quốc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, nói: “Ngư dân đi biển không chỉ là mưu sinh, sự hiện diện của ngư dân trên biển còn là minh chứng khẳng định chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Chính vì thế mà nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, giúp họ có thêm sức để bám biển”.

Vì cuộc sống chấp nhận rủi ro lớn

. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể nhận định chung nhất về tình hình cuộc sống của ngư dân ta hiện nay?

Tiếp sức cho ngư dân bám biển ảnh 1

+ Ông Chu Tiến Vĩnh: Cuộc sống của ngư dân đang gặp vô cùng khó khăn, ruộng thì không có, rừng thì cấm, làm du lịch thì không biết chữ… Để mưu sinh, họ chỉ có cách duy nhất là đi biển. Trong khi đó, nguồn lợi gần bờ ngày một cạn kiệt; giá nguyên, nhiên liệu tăng cao; giá cá thì giảm. Thu nhập không đủ chi phí bỏ ra. Nhiều khi vì mưu sinh mà họ phải chấp nhận những rủi ro lớn, nhất là những khi ra khơi xa bám biển.

. Vậy theo ông cần làm gì để bảo đảm ngư dân có đời sống tối thiểu?

+ Với điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, không chỉ có ngư dân khó khăn mà còn các đối tượng khác như diêm dân, tiều phu… Giải quyết ngay một lúc là rất khó, cần phải có thời gian. Trước mắt phải cố gắng đảm bảo an sinh-xã hội, không để xảy ra nghèo đói quá mức, con em họ được học hành. Để làm được điều này, cần một chính sách đồng bộ của Chính phủ.

Hỗ trợ khai thác xa bờ

. Nhưng thực tế, chính sách đối với ngư dân còn nhiều hạn chế so với nông dân?

+ Đầu tư cho thủy sản thời gian qua còn quá nhỏ bé so với nông nghiệp. Ngành thủy sản làm ra nhiều tiền nhưng đầu tư lại quá thấp. Hệ thống hậu cần nghề cá quá sơ sài. Hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau khai thác cho ngư dân không có. Nông dân trồng lúa còn được bảo đảm có lãi nhưng ngư dân thì chưa. Tất nhiên chúng ta cũng phải thông cảm vì trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, phải ưu tiên cho những vấn đề cấp thiết nhưng về lâu dài vẫn phải tính đến chuyện này.

. Cụ thể, những chính sách nhằm bảo đảm cho ngư dân yên tâm bám biển là gì?

+ Tin vui cho bà con ngư dân là Thủ tướng vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tổng số vốn 8.000 tỉ đồng sẽ được đầu tư cho 211 cảng cá nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần cho tàu cá.

Khi hệ thống cảng cá đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều tiện ích cho bà con ngư dân, đặc biệt là các cảng cá tại các đảo. Ngư dân có thể vào tránh trú bão, sửa chữa tàu, mua thêm nguyên, nhiên liệu cũng như bán sản phẩm đánh bắt được. Còn tại ven bờ, khi có cảng cá sẽ thúc đẩy các loại hình dịch vụ sau đánh bắt, tạo công ăn việc làm cho vợ con những ngư dân đi biển.

Tiếp sức cho ngư dân bám biển ảnh 2

Bãi neo đậu tàu cá của ngư dân tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng đang trình Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ, hy vọng sẽ thông qua trong tháng 6. Theo đó, những ngư dân khai thác xa bờ sẽ được hỗ trợ tiền dầu, mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu. Với những ngư dân khai thác hợp pháp trên biển nhưng không may bị nước ngoài bắt giữ, người nhà của ngư dân sẽ được hỗ trợ gạo và một phần ngư cụ để tái sản xuất.

. Cảm ơn ông!

Hỗ trợ ngư dân bị bắt

Ở Quảng Ngãi có những gia đình ngư dân đi đánh bắt xa bờ bị nước ngoài bắt tới lần thứ năm. Nhưng chúng ta vẫn phải để cho dân ra khơi đánh cá, vẫn phải khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn hỗ trợ cho những gia đình ngư dân bị bắt, bị tịch thu tài sản, động viên người dân tiếp tục ra khơi đánh cá. Vì không đi biển thì họ không có gì để sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (phát biểu tại phiên Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội sáng 22-5)

“Tự bơi” là chính

Thông thường, một lao động đi biển sẽ tạo công ăn việc làm cho bốn lao động trên bờ: những lao động này sẽ làm những việc sau khai thác và dịch vụ hậu cần. Thời gian qua, tuy nhà nước đã có đầu tư cho hậu cần nghề cá nhưng thực chất ngư dân vẫn phải “tự bơi” là chính. Có tới 50% lượng sản phẩm của ngư dân được bán cho thương lái ngay trên biển. Với những ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ, thủy sản chỉ có thể được bán với giá của loại cá làm mắm. Điều này gây nên tình trạng “chảy máu nguồn lợi thủy sản”.

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam

NHẬT MINH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm