Ngày 25-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học.
Nhìn lại một năm học trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành giáo dục đã có nhiều thay đổi để vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa hoàn thành năm học đảm bảo chất lượng.
Năm học có nhiều thay đổi trong đợt dịch
Đánh giá chung về kết quả năm học, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết: Kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học với 14.545 điểm trường.
So với năm học trước, số lượng trường và điểm trường khá ổn định, với tỉ lệ bình quân 1,19 trường tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã, tỉ lệ điểm trường/trường tiểu học là 0,98, trong đó nhiều trường tiểu học có 3-5 điểm trường...
Trong năm qua, các địa phương đã tích cực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh (HS).
Năm học 2019-2020, các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng giảm HS tại các địa bàn, đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên (GV) để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng HS/lớp theo đúng quy định tại điều lệ trường tiểu học.
Đặc biệt, các địa phương đã tích cực thực hiện xét tuyển số GV đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; tăng cường thực hiện tuyển mới GV, trong đó chú trọng đến GV các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn tiếng Anh, tin học.
Trong năm học này, chất lượng giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới từ hình thức tổ chức, phương pháp dạy học đến hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá HS. Giáo dục đã chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS...
Phụ huynh xem danh sách lớp tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 12, TP.HCM. Ảnh: AN
Các cơ sở giáo dục đã chủ động điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng HS, từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS và phù hợp với tình hình diễn biến của dịch COVID-19…
Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm; chú trọng nhiều hơn đến đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỉ lệ HS được học hai buổi/ngày.
Phong trào xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cũng đạt một số kết quả đáng khích lệ với tỉ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của cả nước là 60,1%.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh, thành chủ động phương án về nguồn lực GV đáp ứng yêu cầu chương trình dạy học mới; có kế hoạch mua sắm trang thiết bị phù hợp, tiết kiệm. |
Chủ động hơn nữa nguồn lực giáo viên
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại năm học vừa qua, năm học 2020-2021 cấp tiểu học sẽ được tập trung các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 và chuẩn bị triển khai đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022.
Năm học mới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp tiểu học.
Cấp tiểu học phải đảm bảo đội ngũ GV và cán bộ quản lý đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp; tăng cường nề nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực, tâm thế của các địa phương cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp tiểu học.
“Đây là bậc học nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách, trí tuệ cho các em sau này nên càng phải quan tâm thực hiện nghiêm túc” - ông Nhạ nhấn mạnh.
Các đơn vị tiếp tục phản biện để Bộ GD&ĐT hoàn thiện cơ sở pháp lý, đặc biệt là đối với bậc tiểu học. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để cán bộ, GV, phụ huynh và HS hiểu rõ, hiểu đúng về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đề nghị sửa đổi quy định bố trí học sinh theo vùng miền Một thực tế được nêu ra là hiện nay việc dạy học ngoại ngữ, tin học ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu rất khó khăn do thiếu GV, cơ sở vật chất. Do đó, tại hội nghị, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh, sửa đổi quy định bố trí HS theo vùng miền để tạo thuận lợi cho việc bố trí biên chế GV. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị triển khai mạnh mẽ hơn nữa phương thức xã hội hóa giáo dục ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. |