Nhiều thông tin không hay về việc thẩm mỹ được BS Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng phòng Y tế quận 10 (TP.HCM), nêu ra tại Hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM năm 2019, do Sở Y tế TP.HCM tổ chức diễn ra chiều 7-11.
Kiểm tra 14/19 cơ sở vi phạm
Theo BS Nguyên, địa bàn quận 10 hiện có 65 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (bao gồm các cơ sở chăm sóc da, spa, phun xăm). Qua kiểm tra 19 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ từ đầu năm đến nay, phòng y tế đã phát hiện và trình xử phạt 14 cơ sở với số tiền 400 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở này là cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn không được cấp phép thực hiện như tiêm chất làm đầy filler, tiêm botox, nhấn mí, cắt mí, truyền trắng (truyền dịch làm trắng da - PV), cung cấp mỹ phẩm không nguồn gốc, hết hạn sử dụng... Các cơ sở có sự liên kết với các bác sĩ chạy xô mổ dạo, mổ chui, cắt rạch xâm lấn trên khách hàng.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn do lực lượng phòng y tế mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc. Khi tiến hành kiểm tra, xử phạt, các cơ sở có nhiều chiêu đối phó. “Các kỹ thuật (tiêm botox, chất làm đầy) thường diễn ra nhanh, chỉ 15-20 phút là xong một dịch vụ nên việc phát hiện khó khăn. Các cơ sở đều có camera theo dõi, khi đoàn kiểm tra chưa đến thì họ đã biết. Khi kiểm tra, chủ cơ sở thường được báo vắng, né tránh tiếp đoàn, nhân viên trì hoãn để có thời gian dọn dẹp hiện trường, không tiết lộ thông tin bác sĩ liên kết...” -BS Nguyên nêu.
Bổ sung thực trạng này, BS Lê Minh Hùng, Phó phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế TP, cho biết toàn TP hiện có 1.396 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, spa, không thuộc thẩm định cấp giấy phép nhưng cần gửi thông báo về sở. Trong đó, các dịch vụ phun xăm, thêu đang phổ biến, có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm yêu cầu người thực hiện phải có chứng chỉ đào tạo nghề tại cơ sở hợp pháp nhưng hiện chỉ có tám cơ sở gửi thông báo đủ điều kiện về sở. “Hiện có nhiều cơ sở gửi hồ sơ lên nhưng phần đông chứng chỉ không phù hợp, không được các cơ quan do bộ hoặc Sở LĐ-TB&XH cấp phép, trong đó có các chứng chỉ do thẩm mỹ viện, spa tự đào tạo nên không hợp lệ” - BS Hùng lo ngại chất lượng tay nghề của người thực hiện các dịch vụ này.
Một trường hợp tiêm filler ở cơ sở thẩm mỹ chui tại chung cư ở quận 4, TP.HCM bị mù một mắt, phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: BVCC
Quyết liệt dẹp cơ sở trá hình
Nhận định về thực trạng và công tác kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, ThS-BS Nguyễn Mạnh Cường, Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận các cơ sở dịch vụ vi phạm, không phép thường hoạt động lén lút, đối phó với đoàn kiểm tra. Các hành vi vi phạm phổ biến ở khối cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là quảng cáo chưa được phê duyệt, vượt quá phạm vi chuyên môn, chạy nội dung quảng cáo vi phạm trên bảng hiệu, hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, hoặc hành nghề vượt quá phạm vi, cơ sở chưa có giấy phép hoạt động... Đặc biệt, có cơ sở dịch vụ thẩm mỹ còn chỉ định kê toa cho khách hàng giảm cân. Để chấn chỉnh tình trạng này, theo ông Cường, sắp tới Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành, phòng y tế kiểm tra toàn diện, xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở hành nghề y tư nhân, không để các cơ sở hoạt động không phép nói chung và các cơ sở hoạt động chăm sóc da, dịch vụ thẩm mỹ trá hình tồn tại.
Hiện Sở Y tế đang phối hợp với Ban công nghệ thông tin Sở Y tế nghiên cứu triển khai công nghệ thông tin qua nền tảng IoT để xây dựng kênh phản ánh, nhằm giúp người dân dễ dàng phản ánh và thông tin các hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định... Trước mắt, vào ngày 5-11, Sở Y tế đã triển khai đến phòng y tế 24 quận kế hoạch kiểm tra toàn diện các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da spa hoạt động trên địa bàn đến hết ngày 30-12-2019.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận số lượng cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ tăng theo thời gian và nhu cầu là quy luật khách quan, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý, cần nhiều giải pháp quyết liệt, thực tiễn hơn. Theo ông Thượng, tất cả hoạt động của các loại hình dịch vụ thẩm mỹ đã được quy định trong pháp luật, vấn đề là con người có tuân thủ nghiêm hay không.
Ông Thượng nhận định các cơ sở trá hình thường lợi dụng quảng cáo để lôi kéo khách hàng, nếu kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm này thì sẽ chấn chỉnh hoạt động các cơ sở thẩm mỹ hiệu quả hơn. Ông Thượng cho biết Sở Y tế đã giao cho Thanh tra sở thêm nhiệm vụ chuyên môn nắm bắt thông tin quảng cáo trên mạng, chuyên nghiệp hóa thanh tra lĩnh vực này. Hiện Sở Y tế đã xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng các phòng khám thẩm mỹ, công khai cho người dân được biết và ra mắt ứng dụng Tra cứu khám chữa bệnh giúp người dân lựa chọn dịch vụ phù hợp.
Ứng dụng “Tra cứu khám chữa bệnh” Ứng dụng Tra cứu khám chữa bệnh cho phép tải về trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành, Android và iOS được cài miễn phí cập nhật các thông tin chính thống và đánh giá các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép giúp người dân chọn lựa dịch vụ phù hợp. Hiện tại phần mềm đang trong giai đoạn thử nghiệm và bổ sung hoàn thiện thông tin của tất cả cơ sở khám chữa bệnh. TP.HCM có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; 10 bệnh viện đa khoa có đơn vị, khoa thẩm mỹ; 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được cấp giấy phép hoạt động; 1.396 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Ngoài ra, hiện có nhiều phòng khám chuyên khoa da liễu có thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa. |