Trạm cân xe tự động trên quốc lộ 1 đặt tại trạm thu giá An Sương-An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM được lắp đặt từ cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa chính thức hoạt động.
Liên tục trục trặc
Hồi cuối năm 2015, UBND TP.HCM giao Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO-IDI (đơn vị đầu tư, thu giá đoạn An Sương-An Lạc) lắp đặt hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động tại trạm thu phí này. Trạm cân có tổng mức đầu tư 24,6 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1, Công ty IDICO-IDI đã hoàn thành lắp đặt sáu làn cân xe tự động, camera, cabin, thiết bị cân thứ cấp (cân lần thứ hai để xác định rõ tải trọng, làm cơ sở cho việc lập biên bản xử phạt). Theo dự tính, giai đoạn 2 sẽ lắp đặt thêm bốn làn cân xe tự động ở các làn còn lại.
Tại trạm cân, ở mỗi chiều đường có ba làn xe được đặt bộ cân cảm biến tự động ngầm dưới mặt đường, ngay vị trí qua cửa thu giá. Xe nào qua trạm có hiện tượng quá tải sẽ được cân tự động ghi nhận và truyền dữ liệu về cabin đặt trước trạm cân thứ cấp, cách cửa thu giá khoảng 80 m. Giữa năm 2017, đường truyền dữ liệu từ trạm cân được truyền về Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn ở quận 2.
Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động thử nghiệm, trạm cân này luôn gặp các trục trặc về đường truyền, hộp điều khiển, camera ghi nhận biển số xe chưa chính xác, sai số lớn giữa cân sơ cấp và cân thứ cấp… Những trục trặc này gây phản ứng, tranh cãi giữa tài xế, chủ xe với nhân viên trạm cân.
Xe tải dàn hàng ngang đi qua cabin cân thứ cấp đã ngưng hoạt động ở trạm An Sương-An Lạc. Ảnh: LƯU ĐỨC
Màn hình để… coi chơi!
Đầu năm 2018, các khuyết tật trên được đơn vị đầu tư khắc phục. Nhưng khi đi vào hoạt động thì người ta mới phát hiện vị trí cân sơ cấp và thứ cấp đặt quá gần nhau (chưa tới 80 m) nên khi xe quá tải vừa qua khỏi cửa thu giá mà buộc dừng ngay thì rất nguy hiểm cho thanh tra giao thông (TTGT) ra giữa đường phát hiệu lệnh dừng. Cùng đó, khi có nhiều xe quá tải cùng lúc buộc phải dừng ở đoạn 80 m trên sẽ gây ra ùn tắc không chỉ cho khu vực trạm mà còn kéo dài ra cả hai đầu của đoạn quốc lộ 1. Vì thế, Sở GTVT TP và TTGT phải bỏ luôn việc cân xe quá tải ở trạm thứ cấp. “Do không cân được nên trên màn hình ở trung tâm hầm thể hiện xe quá tải qua trạm thì cũng chỉ biết để… coi chơi, không xử phạt được!” - một cán bộ kỹ thuật ở trung tâm hầm cho biết.
Từ ban đầu “đội hình” ở các xe cân lưu động gồm TTGT và CSGT. CSGT có quyền và nhiệm vụ dừng xe đưa vào trạm cân, còn TTGT có quyền xử phạt xe quá tải trọng. Nhưng đến tháng 10-2017, “đội hình” này… tan đàn khi CSGT chính thức rút đi, không còn phối hợp nữa, còn TTGT thì không có quyền dừng xe đang lưu thông vì thế xe cân trở thành… bơ vơ, lạc lõng. |
Cuối tháng 4 vừa qua, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết TTGT và Công ty IDICO-IDI vừa đi khảo sát và dự tính sẽ dời cabin, trạm cân thứ cấp ra ba điểm cách trạm thu giá 4-5 km. “Vị trí trạm cân thứ cấp sẽ nằm trên đường dẫn cao tốc TP.HCM-Trung Lương, gần ngã ba quốc lộ 1-Hồ Học Lãm và gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc” - ông Việt cho biết. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Dân, Phó Giám đốc Công ty IDICO-IDI, bày tỏ quan ngại trạm cân thứ cấp đặt quá xa, trong khi trên tuyến quốc lộ 1, đoạn trước và sau trạm thu giá, nơi có cân sơ cấp, lại có quá nhiều đường nhánh. “Các xe quá tải sẽ đi vào các đường nhánh này để né trạm cân sơ cấp hoặc qua trạm cân sơ cấp rồi né, không qua cân thứ cấp. Như thế hiệu quả kiểm soát tải trọng sẽ không cao” - ông Dân nói.
Cũng liên quan cân tải trọng xe, từ năm 2015 và 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đồng loạt trang bị cho TTGT các tỉnh, thành loại xe cân lưu động, trị giá mỗi xe và cân 1,8-2 tỉ đồng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn các xe cân này bị các tỉnh bỏ phí. Lý do cân hư liên tục mà mỗi lần hư là phải đánh cả xe, đưa cả cân ra Hà Nội sửa chữa, kiểm chuẩn lại mất cả tháng. Cùng với đó là hệ thống đường truyền dữ liệu về tổng cục (ở Hà Nội) luôn trục trặc, chập chờn do máy bị treo, lỗi phần mềm, camera hư...
Giao thanh tra giao thông quản lý Chiều 4-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sau khi Thanh tra Sở GTVT và Công ty IDICO-IDI lắp đặt xong trạm cân thứ cấp ở ba vị trí mới vừa được xác định xong thì sẽ tiến hành bàn giao toàn bộ hệ thống cân ở khu vực này cho Thanh tra Sở quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng. “Việc bàn giao, sử dụng để kiểm soát tải trọng từ hệ thống cân của IDICO-IDI phải được làm sớm để tránh lãng phí. Có cân ở cửa thu giá mà như… mô hình đồ chơi trong mắt tài xế, chủ xe!” - ông Hưng cho biết. Cũng theo ông Hưng, Sở GTVT TP đã có đề xuất lên Bộ GTVT, Bộ KH&CN cho sử dụng dữ liệu từ các trạm cân sơ cấp làm cơ sở xử phạt nguội xe quá tải luôn, thay vì phải qua kiểm tra lại ở cân thứ cấp. “Như vậy bộ phận kỹ thuật, thanh tra viên trực ở các trạm cân sẽ rút, giảm xuống. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm giao thông ở TP.HCM là mặt đường hẹp, xe đông nên không cần thiết dừng xe để cân lại, dễ gây ùn tắc” - ông Hưng cho biết. |