Nếu U-23 Việt Nam không có điểm được với Hàn Quốc thì ít ra cũng có một trận thua tích cực với số bàn thua ít nhất và có nhiều bàn thắng trước hai đối thủ còn lại thì mới có hy vọng.
U-23 Việt Nam tuy là chủ nhà bảng I nhưng thuộc nhóm hạt giống số 2, sau Hàn Quốc là hạt giống số 1. Bảng I, Việt Nam vẫn dễ thở hơn so với bảng H ở Thái Lan với ba đội kèn cựa nhau gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Ba đội này sẽ “vật nhau” tới bến để có điểm, hoặc ít ra là đội nhì có thành tích tốt.
Thầy trò HLV Hữu Thắng cần phải ghi bàn nhiều vào lưới Đông Timor và Macau. Ảnh: XUÂN HUY
Bảng I của Việt Nam nhìn vào thấy rõ ba đẳng cấp, Hàn Quốc tầng cao, Việt Nam tầng lửng, hai đội Macau và Đông Timor đều cùng tầng trệt. U-23 Việt Nam phải ghi thật nhiều bàn thắng vào lưới Đông Timor và Macau để lấy thuận lợi khi kết cục nhì bảng và điều đó thực tế hơn tranh suất đầu bảng với Hàn Quốc. Và khi nhì bảng thì lúc đó 10 đội nhì của 10 bảng sẽ được mang ra cân, đong, đo, đếm chỉ số phụ.
6 điểm trong tay là điều nằm lòng của U-23 Việt Nam sau khi ra quân hai trận đầu đá với Đông Timor và Macau. Ở lượt trận cuối cùng gặp Hàn Quốc thì tùy cơ ứng biến. Nếu Hàn Quốc “hủy diệt” hai đối thủ Macau và Đông Timor bằng những trận mưa gôn thì trước lượt trận cuối cùng gặp chủ nhà Việt Nam, thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng rất dễ thở và không chừng có được 1 điểm trước Hàn Quốc. Nếu điều này xảy ra thì chắc chắn sẽ có suất vé vớt mà không cần chờ các kết quả chín bảng còn lại.
Còn nếu dù U-23 Việt Nam có được 6 điểm nhưng chỉ số phụ kém và thậm chí thua đậm Hàn Quốc ở lượt trận cuối cùng cũng sẽ hồi hộp chờ đợi các bảng kết thúc.
Hãy chờ U-23 Việt Nam chinh phục tấm vé dự vòng chung kết U-23 châu Á lần thứ hai sau lần thứ nhất HLV Miura đã làm được cho U-23 Việt Nam.