Người cha mất tích trên chuyến tàu định mệnh. Gần 20 năm sau cũng vì con tàu này mà hai cô cháu ruột phải đưa nhau ra tòa. Người cháu ngậm ngùi, nước mắt lưng tròng: “Ba ơi, con không muốn tình cô cháu tan vỡ vì con tàu”.
Đòi 1/3 con tàu
Theo trình bày của chị L., năm 1996, cha của chị hùn tiền cùng anh trai và chị gái (bà T.) mua chung một con tàu đánh cá với giá 65 lượng vàng. Bà T. trực tiếp quản lý hoạt động tàu và chia lợi nhuận. Đến năm 1998, ba của chị mất tích vì tai nạn tàu biển. Sau khi tòa tuyên bố ông đã chết, bà T. vẫn tiếp tục chia lợi nhuận cho vợ và con của em. Đến tháng 6-2013, bà T. ngưng chia tiền. Nhiều lần mẹ của chị L. yêu cầu chị chồng hoàn trả phần vốn chồng đã chung mua tàu nhưng bà T. không đồng ý và hứa đến khi nào các cháu đủ 18 tuổi sẽ hoàn trả. Mẹ chị L. khởi kiện ra TAND TP Đà Nẵng và ủy quyền cho hai con tham dự phiên tòa.
Tại phiên tòa mới đây, chị L. cho rằng khi còn sống, cha đã góp 1/3 giá trị con tàu, cụ thể là 21,7 lượng vàng nên nay xin đòi lại 1/3 giá trị thực của con tàu.
Không đồng tình, bà T. (cô của chị L.)khẳng định việc kiện đòi tiền là không có cơ sở. Bởi chiếc tàu này là do bà độc lập kinh doanh, không liên quan đến ai. Vì tình nghĩa anh em, bà cho ba của cháu L. kinh doanh trên chiếc tàu này chứ không có sự hùn hạp.
Không đồng tình, hai người cháu bảo không có chuyện hùn vốn thì vậy tại sao từ khi mua tàu, cô và các bác vẫn chia lợi nhuận thành ba, trong đó một phần là của cha mình. Khi cha chị L. mất, người cô vẫn chia lợi nhuận và chuyển cho mẹ chị.
Đáp lại, bà T. nói đây không phải là tiền ăn chia mà vì bà thương các cháu nên cho. Tại phiên tòa, bà T. cũng nhiều lần tỏ ra buồn bã vì không ngờ lại bị các cháu kiện tụng.
Đã trả lại tiền cho người thân bên Mỹ
Trước đó, tại các phiên hòa giải, bà T. lại khẳng định có việc chung tiền mua chiếc tàu. Tính đến thời điểm người em bị tai nạn trên biển thì giá trị chiếc tàu là 360 triệu đồng. Lúc này, một người anh khác của bà nhượng phần giá trị của ông cho bà nên bà được hưởng hai phần. Phần của ba cháu L. đã chuyển trả lại cho các anh bên Mỹ quản lý vì trước đó các anh đã cho tiền để ba anh em bà mua tàu.
Cũng tại các buổi hòa giải, bà T. thừa nhận thêm hằng tháng bà vẫn chia lợi nhuận cho ba mẹ con cháu L., lúc ít nhất là 5 triệu đồng, nhiều nhất 50 triệu đồng, tùy thuộc vào sản lượng đánh bắt. Đến năm 2014, do có mâu thuẫn với ba mẹ con cháu L. nên bà không chia nữa. Phần của ba cháu L. là do người thân ở Mỹ cho làm ăn nên sau đó bà đã bàn giao phần tiền (120 triệu đồng) bằng giá trị 1/3 con tàu này cho các anh bên Mỹ. Năm 2014, các anh bên Mỹ về nước, có họp gia đình để bàn giao số tiền này cho hai chị em cháu L. nhưng do các cháu hỗn hào nên người anh này đã quyết định thu phần vốn đã cho. Từ đó, bà T. không đồng ý yêu cầu khởi kiện của các cháu.
Đòi có căn cứ
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tòa cho rằng có căn cứ để xác định các bên có hùn vốn để mua chung chiếc tàu. Cụ thể, tại các biên bản hòa giải, bà T. đã thừa nhận có bán chiếc tàu cũ và hùn tiền mua chiếc tàu mới. Như vậy, giá trị chiếc tàu mới này người em phải được hưởng 1/3. Bà T. nói giá trị 1/3 chiếc tàu đã chuyển cho người thân bên Mỹ, bà biết rõ số điện thoại, địa chỉ của những người này nhưng lại không cung cấp cho tòa, bất hợp tác với tòa, gây nhiều khó khăn cho tòa. Từ đó, tòa tuyên buộc bà T. có nghĩa vụ trả lại cho nguyên đơn 1/3 giá trị con tàu là 300 triệu đồng.
Trong vụ án này, nguyên đơn còn yêu cầu bà T. phải trả tiền phát sinh kinh doanh hằng tháng. Theo lời khai của bà T. thì hằng tháng tối thiểu bà đưa cho ba mẹ con nguyên đơn 5 triệu đồng. Nay tòa xác định từ tháng 6-2013 đến nay, bà không đưa cho nguyên đơn. Tòa lấy mốc 5 triệu đồng làm căn cứ, buộc bà T. trả 25 tháng lợi nhuận kinh doanh từ con tàu là 125 triệu đồng cho nguyên đơn.
Tòa tuyên án, hai chị em L. ôm nhau khóc nức nở. Chị L. tâm sự: “Em chỉ sợ ba buồn. Nếu ba còn sống, không biết rằng ba có đồng ý với việc làm của em không nữa”. Nói rồi chị đặt tay lên ngực gọi “Ba ơi!”.
“Cô hứa mà không trả…” Suốt phiên tòa, hai chị em chị L. khóc, bảo: “Trước đây cô nói các cháu còn nhỏ nếu đưa mẹ sẽ đi lấy chồng rồi tiêu hết. Chừng nào các cháu đủ 18 tuổi, cô sẽ trả để làm vốn. Mẹ đã phải cực khổ nuôi các cháu nhưng vẫn không dám qua đòi vì sợ mọi người nghĩ mẹ đòi cho riêng mẹ. Nay ra tòa mẹ ủy quyền cho các cháu vì muốn các cháu tự quyết”. Rồi chị L. chia sẻ thêm: “Thực sự cháu không muốn phải đưa cô ra tòa nhưng trước đây cô hứa sẽ trả cho các cháu. Mẹ con cháu đã cực nhọc vì mất ba. Nay các cháu có gia đình riêng, muốn có chút vốn làm ăn...”. |