TAND tỉnh Sóc Trăng vừa tuyên xử sơ thẩm một vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất với kết quả khiến cho nhiều người ngỡ ngàng. Thửa đất trống liên quan trong vụ án từ 15 m bỗng nở hông thêm 7 m, gây dở khóc dở cười cho nhiều đương sự, nhất là nhân chứng của vụ án.
Nguyên đơn và bị đơn cùng có chủ quyền
Năm 2003, ông Trần Công Khanh, ngụ phường 2 khởi kiện ông Chung Quốc Minh ở phường 1 (cùng TP Sóc Trăng) vì cho rằng ông này đã giành thửa đất tại khóm 1, phường 2, TP Sóc Trăng của mình (nay ông Minh mất, ông Chung Chí Lợi, con ông Minh đại diện bên bị đơn). Lập tức ông Lợi đại diện phía bị đơn phản tố cho rằng thửa đất này là của mình, ông Khanh đã chiếm.
Hai bên có yêu cầu giống nhau, đó là yêu cầu tòa thừa nhận chủ quyền hợp pháp của mình. Phía ông Khanh trình ra giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất do Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Sóc Trăng (nay là Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng) cấp. Phía ông Lợi cũng trình được chủ quyền đất do UBND thị xã Sóc Trăng cấp. Và cả hai bên cùng có yêu cầu tòa tuyên hủy giấy chủ quyền của phía “đối phương”.
Bề ngang miếng đất đang tranh chấp và miếng đất của bà Lê Thị Lợi cộng lại chỉ 15 m. Ảnh: TRẦN VŨ
Vụ án lấn cấn kéo dài nhiều năm, xử đi xử lại nhiều lần kể từ năm 2010 đến nay vì các bản án sơ thẩm đều bị cấp phúc thẩm hủy án. Ngày 25-6, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm lại vụ án nói trên.
Quá trình truy xét nguồn gốc đất thể hiện: Ông Khanh từng phục vụ trong quân đội, do chưa có chỗ ở nên ông được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng cấp cho một thửa đất ngang 8 m, dài 29 m bằng Quyết định số 13 ngày 24-9-1992. Nguồn gốc đất cấp là của doanh trại quân đội chế độ cũ, sau năm 1975 quân đội ta tiếp quản sử dụng đến ngày cấp cho ông Khanh.
Còn đất của ông Lợi có nguồn gốc là đất dân sự, của bà Tăng Thị Nuối, được Sở Địa chính tỉnh Sóc Trăng cấp vào ngày 27-6-1995 (tức cấp sau ông Khanh). Bà Nuối bán cho ông Hải rồi ông Hải bán cho ông Chung Quốc Minh.
Về nguồn gốc đất của bà Nuối thì cơ quan quản lý đất đai địa phương cho rằng đã thất lạc hồ sơ gốc.
Tuy nhiên, cả hai phần đất được cấp lại có một số giấy tờ xác định vị trí giống nhau như có cạnh giáp mương thoát nước bên hè nhà ông Hiệp. Và lúc nhận bàn giao đất, cả ông Khanh và ông Lợi cùng được bàn giao chỉ một phần đất, tức trùng vị trí đất, chỉ khác nhau ở chỗ ông Lợi có mặt tiền 7 m, ông Khanh có mặt tiền 8 m. Chiều ngang mặt tiền này đều cùng đo từ mương thoát nước cập nhà ông Hiệp về hướng đất trống!
Kế miếng đất tranh chấp này là miếng đất của bà Lê Thị Lợi, có chiều ngang mặt tiền là 7 m. Bà Lợi được mời ra tòa với tư cách là nhân chứng.
Nhân chứng bỗng nhiên mất đất?
Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2015/DS-ST ngày 25-6-2015 của TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bác yêu cầu của ông Khanh, tức thửa đất đang tranh chấp là của ông Lợi. Đồng thời tòa cũng tuyên bác yêu cầu của phía ông Lợi ở phần đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Khanh. Tòa cũng chỉ rõ đất ông Khanh là phần đất nằm trên đường Trần Bình Trọng (đã quy hoạch, chưa triển khai). Với bản án này, xem ra cả nguyên đơn và bị đơn đều… thắng kiện.
Với kết quả tuyên án này, thửa đất trống liên quan đến vụ án bỗng phình to ra thêm 7 m. Tức đất ông Chung Chí Lợi 7 m, ông Khanh 8 m và bà Lê Thị Lợi 7 m, cộng chung là 22 m. Trong khi trên thực tế toàn bộ thửa đất trống nói trên có mặt tiền tổng cộng là 15 m (trong đó miếng đất tranh chấp có 7 hoặc 8 m ngang, cộng với 7 m ngang đất của bà Lợi), hai bên là nhà dân đã có chủ quyền và xây cất xong nhà cửa.
Bà Lê Thị Lợi bức xúc: “Tôi đến tòa vụ án này với tư cách là người làm chứng, nay tòa tuyên kiểu này tự dưng tôi thành… nạn nhân. Hai ông Khanh và Lợi kiện nhau lại cùng thắng, còn tôi là nhân chứng lại thua, mất tiêu miếng đất”.
Theo hồ sơ, phía bà Lợi được Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng cấp thửa đất cùng thời điểm năm 1992 với ông Khanh và nằm đúng vị trí đường Trần Bình Trọng sắp đi qua nên bà không làm được chủ quyền, đang chờ bồi thường, hỗ trợ.
Được biết ông Khanh và bà Lợi đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin tiếp vụ án kỳ lạ này khi có diễn biến mới.
Tháng 5-2011, theo quyết định trưng cầu giám định của TAND tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Địa chính đô thị phía Nam đã tiến hành đo đạc, xác định vị trí và kết luận: Hai thửa đất thuộc chủ quyền của ông Khanh và ông Lợi cùng vị trí, nằm “chồng, đè lên nhau”. Tuy nhiên, TAND tỉnh Sóc Trăng đã bác bỏ kết luận giám định này, tuyên nó là hai thửa riêng biệt. |