Theo hồ sơ, vào thời điểm thực hiện dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM, do Công ty TST không có đủ điều kiện để trực tiếp ký hợp đồng nên ông Cường đã tham gia tư vấn, đàm phán để Công ty TST trúng gói thầu số 2 (cung cấp và lắp đặt thiết bị phòng thí nghiệm công nghệ vi mạch bán dẫn). Theo thỏa thuận, Công ty TST sẽ chia lợi nhuận cho ông Cường 1,786 tỉ đồng sau khi gói thầu số 2 kết thúc (nghiệm thu, thanh lý...). Và sau 18 tháng hết thời gian bảo hành, Công ty TST sẽ trả tiếp cho ông Cường 94 triệu đồng.
Sau đó, dù gói thầu số 2 đã kết thúc và cũng đã qua thời gian bảo hành nhưng Công ty TST mới chỉ thanh toán cho ông Cường 320 triệu đồng. Ông Cường bèn khởi kiện yêu cầu TAND quận 1 (nơi Công ty TST có trụ sở) buộc Công ty TST thanh toán cho ông 1,56 tỉ đồng còn thiếu ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Ngược lại, Công ty TST cho rằng thỏa thuận giữa công ty và ông Cường có ghi rõ nội dung trách nhiệm của ông là đẩy nhanh tiến độ kho bạc, hỗ trợ liên lạc với các đối tác khác nhưng ông không hoàn thành, dẫn đến việc thực hiện dự án bị kéo dài, không đẩy nhanh đúng tiến độ khiến công ty bị thiệt hại khi trả lãi vay ngân hàng. Vì thế công ty không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông Cường.
Xử sơ thẩm hồi đầu năm 2014, TAND quận 1 nhận định Công ty TST không xuất trình được chứng cứ nào chứng minh ông Cường vi phạm nghĩa vụ thực hiện dịch vụ của mình. Trong bản thỏa thuận cũng không có nội dung buộc ông Cường phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo thời hạn thực hiện hợp đồng giữa Công ty TST với đối tác.
Theo tòa, Điều 518 BLDS quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ”. Khoản 1 Điều 524 BLDS quy định: “1. Bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận”... Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của ông Cường. Không đồng tình, Công ty TST kháng cáo nhưng bị tòa phúc thẩm bác kháng cáo như trên.
HOÀNG YẾN