Tình huống pháp lý hay trong vụ kiện về quyền tiếp cận thông tin

Ngày 14-12, TAND tỉnh Khánh Hòa đã hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ ông Nguyễn Văn Bình (ngụ phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) kiện chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì từ chối cung cấp thông tin.

Lý do hoãn là chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị hoãn phiên tòa do chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu kèm theo liên quan đến vụ kiện.

Kiện vì bị từ chối cung cấp thông tin

Trước đó, tháng 4-2020, ông Bình có phiếu yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin, trong đó có giấy chứng nhận đầu tư sân golf do UBND tỉnh cấp cho Công ty CP Hoàn Cầu. Tuy nhiên, ngày 16-6-2020, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản từ chối cung cấp các thông tin cho ông Bình với lý do nếu cung cấp thì sẽ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của Công ty CP Hoàn Cầu.

Ông Bình khởi kiện, đề nghị tòa hủy văn bản của chủ tịch UBND tỉnh về từ chối cung cấp thông tin; đồng thời buộc người bị kiện cung cấp thông tin cho công dân theo đúng quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Bình đi kiện để thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình. Ảnh: TẤN LỘC

Ngày 26-11, TAND tỉnh Khánh Hòa có quyết định đưa vụ kiện của ông Bình ra xét xử sơ thẩm vào ngày 14-12. Tuy nhiên, ngày 10-12, chủ tịch UBND tỉnh có công văn khẩn thu hồi văn bản ngày 16-6-2020 với lý do “chưa phù hợp về hình thức văn bản”.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng chủ tịch UBND tỉnh thu hồi văn bản ngày 16-6-2020 với lý do chưa phù hợp về hình thức văn bản, còn nội dung giải quyết cung cấp thông tin không đề cập đến. Thực tế đến nay, UBND tỉnh vẫn không giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của ông Bình. Ngoài ra, khi ông Bình tiếp tục yêu cầu cung cấp thông tin, ngày 5-11, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục từ chối cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự án Sông Lô cho ông Bình. UBND tỉnh đề nghị ông Bình chờ kết quả kiểm tra chính thức của Thanh tra Chính phủ và kết quả xét xử của TAND tỉnh liên quan đến nội dung trên.

Do đó, ông Bình giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa tuyên hủy văn bản ngày 16-6-2020 của chủ tịch tỉnh do vi phạm về hình thức và nội dung. Ông Bình cũng đề nghị tòa buộc UBND tỉnh tiếp nhận giải quyết cung cấp thông tin cho ông theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

Luật không quy định bác đơn vì “đối tượng khởi kiện không còn”

Việc người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính là quyền của người bị kiện được quy định tại khoản 4 Điều 57 Luật Tố tụng hành chính 2015. Hiện Luật Tố tụng hành chính 2015, các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể việc người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Điều 193 Luật Tố tụng hành chính 2015 về thẩm quyền của HĐXX thì không có quy định nào về việc HĐXX “bác yêu cầu khởi kiện vì lý do đối tượng khởi kiện không còn”.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM 

Tòa vẫn giải quyết nếu người khởi kiện không rút đơn

TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định đây là một vụ kiện hành chính liên quan đến Luật Tiếp cận thông tin 2016 và có lẽ là lần đầu tiên một công dân kiện cơ quan hành chính nhà nước về việc từ chối cung cấp thông tin nên được sự quan tâm.

Theo điểm e khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì tòa án đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp “người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện”. Như vậy, có hai điều kiện để tòa án ra quyết định đình chỉ nên nếu người bị kiện “thu hồi” quyết định hành chính nhưng người khởi kiện không đồng ý rút đơn khởi kiện thì tòa án vẫn xét xử.

“Vụ kiện cho thấy thực tiễn các cơ quan hành chính nhà nước lẽ ra phải hủy bỏ quyết định hành chính nhưng vẫn hay sử dụng từ “thu hồi”, dù hậu quả pháp lý trong hai trường hợp này về logic là giống nhau” - TS Dung nhận xét.

Về hướng giải quyết, theo Điều 10 Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính.

Nếu người khởi kiện rút đơn kiện thì tòa đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu người khởi kiện không rút đơn kiện thì tòa tiếp tục giải quyết vụ án để xem xét tính hợp pháp của quyết định bị kiện và quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định bị kiện.

Hơn nữa, theo Mục 3 Công văn 64/TANDTC-PC ngày 3-4-2019 của TAND Tối cao thì tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn kiện thì tòa căn cứ Điều 187 Luật Tố tụng hành chính để tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà người bị kiện ban hành quyết định hành chính mới, người khởi kiện đồng ý rút đơn kiện thì HĐXX đình chỉ giải quyết vụ án.

Vụ kiện về quyền tiếp cận thông tin

Vụ kiện này được xem là vụ kiện hành chính đầu tiên về thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Theo ông Bình, từ năm 2001 gia đình ông bị ảnh hưởng bởi việc UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất, giao cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu (nay là Công ty cổ phần Hoàn Cầu) thực hiện dự án khu du lịch - giải trí Sông Lô (nay là tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang, gọi tắt là dự án Sông Lô).

Cho rằng việc thu hồi đất này trái quy định pháp luật, ông Bình liên tục khiếu nại 20 năm nay nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Để có tài liệu, thông tin chính xác cung cấp cho cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, căn cứ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, ông Bình làm đơn yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin nhưng nhiều lần bị từ chối. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm