Năm đấy CA Hải Phòng và Lâm Đồng bắt tay nhau rồi cùng bắt tay nhiều đội theo kiểu 3 điểm đi, 3 điểm về và những cái tam giác A thắng B, B thắng C, C thắng A.
Đấy là mùa mà đúng kịch bản và đúng tình nghĩa thì CA Hải Phòng phải thắng Lâm Đồng trên sân Phan Rang và trụ hạng. Thế nhưng giờ chót thì Lâm Đồng phản kèo thắng ở phút 73 rồi co về thủ quyết không trả. Một trận đấu mà CA Hải Phòng sau đó bù lu bù loa rằng chơi với bạn bị bạn phản nhưng HLV Đoàn Phùng của Lâm Đồng lại nói rằng trong bóng đá có những quy tắc “giang hồ” đó là khi đã bắt tay chơi với nhau thì phải bảo vệ cho nhau. Và theo luật đấy thì CA Hải Phòng đã vi phạm luật chơi khi trước trận gặp Lâm Đồng đã cho điểm An Giang không phải vì tình mà vì những thỏa thuận trên bàn. Ông Phùng nói rằng việc cho điểm An Giang khi đấy cũng là gián tiếp đẩy Lâm Đồng nếu chơi đúng kèo (trả điểm CA Hải Phòng) thì đồng nghĩa xuống hạng. Và kết quả là Lâm Đồng phải tính chuyện lật kèo để tự cứu mình.
Hình ảnh hào hùng của SL Nghệ An như ở lượt đi đã thay đổi hoàn toàn ở lượt về. Ảnh: QUANG THẮNG
Từ đó đến nay đã 21 năm nhưng thứ bóng đá tình và tiền vẫn còn đầy đủ ở bóng đá Việt Nam. Chiều qua, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu liên tục điện thoại cho tôi chia sẻ rằng ông là người Nghệ An nhưng nhìn các cầu thủ quê hương ông đá kiểu buông bỏ thì ông không thương nổi. Ông nói ngay khi nhìn thái độ của SL Nghệ An trên sân Pleiku ông đã điện thoại cho ông trưởng đoàn SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh thì ông này nói rằng không đi cùng đội đến Pleiku vì lo việc lớn (!?).
Vậy là nhiều cổ động viên xứ Nghệ lặn lội lên Pleiku đã không được xem thứ bóng đá đẹp như ở lượt đi SL Nghệ An từng cống hiến cùng HA Gia Lai một trận đẹp và mãn nhãn.
V-League đang đi vào giai đoạn cuối và thứ bóng đá tình, tiền đang ảnh hưởng nặng đến các kết quả. Nguy hiểm hơn là đội bóng của những nhà đại diện bóng đá Việt và điều hành bóng đá Việt như thành viên VPF hay thành viên VFF, thường trực VFF lại cùng ghim vào ổ bóng đá tình, tiền.
Chả trách bóng đá nội ngày càng mất giá…