Bà Trang cho hay ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận có tiềm năng lớn để phát triển điện gió. Tuy nhiên, nhiều nơi xảy ra xung đột giữa việc khai thác titan với điện gió, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch này. “Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, điện gió cung cấp 1.000 MW cho điện lưới quốc gia nhưng đến nay kết quả rất hạn chế. Hiện nay mới chỉ có 54 MW từ hai dự án điện gió ở Bạc Liêu và Bình Thuận” - bà Trang chia sẻ.
Về phía nhà đầu tư, ông Tô Hoài Dân, Giám đốc Công ty Công Lý (đơn vị đang vận hành nhà máy điện gió 16 MW ở Bạc Liêu), cho rằng giá điện gió trên biển hiện nay thấp khiến thời gian hoàn vốn đầu tư kéo dài. Mức giá hiện nay là khoảng 7,8 cent/kWh điện gió ở đất liền và 9,8 cent/kWh điện gió trên biển. Nếu muốn thu hút tư nhân đầu tư, giá điện gió trên biển phải ở mức 13,5 cent/kWh. Đồng tình, nhiều đại biểu tham dự nhận định cần điều chỉnh giá điện gió tăng theo lộ trình.
Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng khai thác điện gió nhưng để đạt công suất điện gió theo quy hoạch là thách thức lớn. “Hiện có 48 dự án điện gió đăng ký với tổng công suất khoảng 4.880 MW. Trong năm nay, chúng tôi sẽ điều chỉnh giá mua điện gió theo hướng cân nhắc đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và an sinh xã hội, kèm theo những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Thục cam kết.
MINH PHONG