Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về vấn đề “lạm phát” cấp phó cũng như câu chuyện tin giản biên chế mà các đại biểu đang quan tâm chất vấn Bộ trưởng bộ Nội vụ trong phiên chất vấn ngày 18-11, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng cái gốc của vấn đề này nằm ở khâu tổ chức bộ máy. Cách tổ chức bộ máy trùng lắp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ nhưng không rõ trách nhiệm như hiện nay là không bao giờ tinh giản biên chế được và bản thân cấp phó không có lỗi trong chuyện này.
Cấp phó không có lỗi
.Câu chuyện lạm phát cấp phó đang thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu cũng như gây không ít bức xúc trong cử tri. Bà nhìn nhận như thế nào về tình trạng “lạm phát” cấp phó hiện nay?
+ Tôi không quan tâm chuyện nhiều hay ít cấp phó mà vấn đề tôi quan tâm là tổ chức bộ máy như thế nào cho phù hợp. Phải có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không trùng lắp, không chồng chéo, không tạo ra những cấp hành chính trung gian tạo tầng nấc khiến cho việc giải quyết hồ sơ cho người dân chậm. Nhiều nước họ rất nhiều cấp phó, có nơi HĐND của họ mười mấy cấp phó nhưng mỗi cấp phó họ chịu trách nhiệm về lĩnh vực họ quản lí và bộ máy bên dưới rất đơn giản.
Bản thân cấp phó không có tội lỗi gì. Vấn đề là cơ cấu cấp phó làm sao giải quyết được công việc. Khi giao cho họ một chức năng, nhiệm vụ với một quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng thì tốt thôi. Cho nên vấn đề là ở chỗ cơ cấu tổ chức bộ máy, khoa học tổ chức bộ máy cần xem lại. Người ta đâu muốn làm phó đâu, người ta muốn làm trưởng kìa. Đi họp cái gì cũng mời, mà mời thì phải lãnh đạo mới cho dự chứ không phải lãnh đạo không cho họp.
Vì vậy tổ chức bộ máy phải đảm bảo ít tầng nấc để tính chịu trách nhiệm rõ ràng. Chứ như bây giờ, một hồ sơ vô, một chuyên viên xử lí xong chuyển lên một bộ phận nào đó, sau đó mới chuyển lên ông phó. Nhưng ông phó cũng không chịu trách nhiệm gì và cũng không giải quyết được gì và cuối cùng phải chuyển lên ông trưởng. Những việc đó là do tổ chức bộ máy chứ không phải lỗi ông phó.
Cái gì cũng quyết định theo đa số
.Câu chuyện tinh giản biên chế đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng với tổ chức bộ máy như bà nói thì liệu tinh giản biên chế có thực hiện được không?
+ Với tổ chức bộ máy như vậy mà mình độp vô mà nói tinh giản biên chế thì theo tôi là không bao giờ làm được. Bởi vì phải tính tổ chức trước rồi mới tính bộ máy. Mà nói đến tổ chức thì phải tính đến chức năng nhiệm vụ của tổ chức đó là gì để không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ và làm rõ về quyền hạn, chức vụ thì mới giảm được biên chế, giảm nguồn lực.
Bây giờ một việc mà ở bộ cũng làm, ở sở cũng làm như vậy, ở quận huyện cũng giao như vậy, thậm chí xuống phường xã cũng giao như vậy mà không có con người làm sao người ta làm được.
Như câu chuyện quy hoạch, địa phương cũng quy hoạch, trung ương cũng quy hoạch, cả hệ thống bò ra làm quy hoạch nhưng không quyết định được cái gì. Hai ba cơ quan làm cùng một việc, có chuyện bún bẩn thôi không cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Tại sao cơ quan nào cũng thấy thiếu người? Tại sao nhiều người như vậy mà giải quyết công việc chậm như vậy? Tại sao công việc giải quyết chậm vậy mà không xử được người đứng đầu?
Trả lời được những câu hỏi này thì mới thấy được những hạn chế của bộ máy là có con người nhưng nhiệm vụ không rõ ràng, một việc quá nhiều người làm, cái gì cũng đưa ra tập thể bàn, cái gì cũng quyết định theo đa số. Vậy thì làm sao xử lí người đứng đầu được.
Không biết giảm ai
.Ngoài việc tổ chức bộ máy, câu chuyện đánh giá cán bộ công chức hiện nay của ta có phải là một vấn đề khiến cho việc tinh giản biên chế khó lại càng khó?
+ Ngay đánh giá cán bộ cũng không rõ ràng. Các nước họ đánh giá trong một cơ quan 100 người thì bao giờ cũng có người số 1 và có người số 100, người ta đánh giá thường xuyên hàng tháng như vậy nên khi muốn giảm biên chế, nói giảm năm người cuối cùng là có địa chỉ ngay. Còn mình muốn giảm biên chế không biết giảm ai.
Hiện nay chúng ta đang làm các luật về tổ chức bộ máy là cơ hội vàng để tổ chức bộ máy. Nếu lần này không làm là mất cơ hội và đừng nói đến chuyện tinh giản biên chế.
.Xin cảm ơn bà.