Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh qua loạt bài “Tố giác tham nhũng: Ai bảo vệ?”, người tố giác tham nhũng hiện nay bị xâm hại nhiều mặt về vật chất cũng như tinh thần nhưng chưa được bảo vệ một cách thích đáng. Bên lề Hội nghị tổng kết công tác thanh tra TP.HCM năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 ngày 22-1, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình (ảnh) bày tỏ quan điểm:
+ Nếu tố giác đúng, với tinh thần xây dựng tập thể, nội bộ thì người tố giác phải được tôn trọng, xem xét và bảo vệ một cách nghiêm túc. Nhất là tổ chức đảng, công đoàn và đoàn thể phải lên tiếng để bảo vệ họ. Tuy nhiên, những trường hợp lạm dụng dân chủ, sơ hở của người khác rồi khuếch tán vấn đề lên từ không thành có để hạ thấp uy tín của lãnh đạo, đơn vị cũng cần được theo dõi để phòng ngừa.
. Thưa ông, người tố giác tham nhũng hiện nay chịu rất nhiều mất mát. Ngay cả khi đã rõ là họ đúng thì việc họ đòi lại những gì đã mất cũng chưa được quan tâm?
+ Đúng là hiện nay cơ chế để bồi thường vật chất, uy tín cho người tố giác tham nhũng chưa được cụ thể hóa. Các cơ quan chuyên trách đang nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế này. Nhưng việc tố cáo tham nhũng thì không thể chờ đến khi cơ chế hoàn thiện. Cho nên khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ và bồi thường cho người tố giác tham nhũng thì những người làm việc này có khi chấp nhận sự thách thức và trả giá. Cụ thể như cán bộ thì không khéo sẽ bị trù dập hoặc bị chuyển công tác nếu tố giác người lãnh đạo trong cơ quan mình…
Ông Hoàng Mạnh Tùng (quận 2, TP.HCM), một trong 16 cá nhân phía Nam có thành tích trong phòng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
. Bộ Công an đang soạn thảo quy chế bảo vệ người tố giác tham nhũng và sẽ trình Chính phủ vào giữa năm nay. Vậy vấn đề này có được lưu ý để đưa vào quy chế nhằm tạo ra một cơ chế công bằng hơn cho người tố giác?
+ Đây là vấn đề tích cực và cần phải đưa vào quy chế trên. Về phần cá nhân, tôi ủng hộ chuyện này.
. Có những thiệt hại mà người tố giác rất khó chứng minh như bị cho “ngồi chơi xơi nước”, chuyển đổi sang công tác khác, hay bị đồng nghiệp xa lánh, ghét bỏ…Có cơ chế nào xác định cụ thể hơn để họ đòi bồi thường không?
+ Liên quan đến vấn đề việc làm, tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải…, tôi nghĩ trong quá trình hoàn thiện cơ chế này cần phải phối hợp với ngành nội vụ để đưa ra hướng giải quyết cụ thể, nhất là trong những trường hợp như bạn nêu.
Với những trường hợp đã rõ ràng, chẳng hạn như người tố giác tham nhũng bị oan sai trong tố tụng thì có thể đòi bồi thường theo Nghị quyết 388. Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực từ đầu năm nay cũng sẽ là yếu tố tích cực để giúp cán bộ điều chỉnh hành vi công vụ cho đúng. Theo đó, nếu người có trách nhiệm có hành vi sai trái sẽ bị xử lý rõ ràng, minh bạch và công khai để bồi thường lại cho người bị hại.
. Các cơ quan chuyên trách trong phòng chống tham nhũng cần có hành động gì để hỗ trợ cho người tố giác tham nhũng trong quá trình họ đấu tranh để đòi bồi thường, thưa ông?
+ Người tố giác thấy mình bị thiệt hại một cách vô cớ thì hoàn toàn có quyền khiếu nại lên các cơ quan chuyên trách để có những kiến nghị xem xét, phục hồi quyền lợi đó, cũng như xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
. Xin cảm ơn ông.
Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại “nóng” Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010, Thanh tra TP.HCM cho biết năm qua khiếu nại vẫn tập trung vào lĩnh vực bồi thường, giải tỏa, tái định cư tại các dự án, quản lý đất đai, quản lý nhà. Người dân cũng tập trung tố cáo các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi, bao che cho hành vi trái pháp luật… Năm 2009, ngành thanh tra TP đã giải quyết gần 83% đơn thư khiếu nại, gần 84% đơn thư tố cáo. Tuy nhiên, tỉ lệ khiếu nại, tố cáo đúng rất thấp với trên 15% khiếu nại đúng và gần 23% tố cáo đúng. Phó Tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho biết TP.HCM còn khoảng 200 vụ khiếu nại, tố cáo nổi cộm chưa được giải quyết dứt điểm. Có những vụ Thanh tra TP đã giải quyết xong nhưng người dân vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng và tiếp tục khiếu kiện ở cấp trung ương. “Thanh tra TP cần chủ động làm tới cùng các hồ sơ này... Không nên trả lời đơn thư xong rồi bỏ đó. Chẳng thà làm ít mà hiệu quả còn hơn là làm ào ào mà kết quả thấp” - ông Bình nói. |
MINH CƯỜNG thực hiện