Tòa án đang “vô hiệu hóa” trọng tài

“Trọng tài là một thiết chế giải quyết tranh chấp được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Trong đó, VN cũng ký kết và tham gia một loạt các điều ước quốc tế khác nhau về trọng tài. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại được dư luận quan tâm hiện nay là việc tòa án tuyên hủy quyết định của trọng tài trong nước và quyết định trọng tài nước ngoài chưa được công nhận cho thi hành đầy đủ tại VN” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nhấn mạnh tại hội thảo sáng 18-10.

Tòa vạch lá tìm sâu

Đối với các phán quyết trọng tài trong nước, luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho biết từ năm 2003 đến 2013 có khoảng 34% phán quyết của trọng tài bị hủy. Đối với các quyết định trọng tài nước ngoài tại VN, qua thông tin từ đại diện Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) cung cấp, ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch VIAC tính toán “có khoảng 75% quyết định trọng tài nước ngoài tại VN bị hủy”.

Tòa án đang “vô hiệu hóa” trọng tài ảnh 1

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại, trọng tài viên VIAC, Trưởng khoa Luật dân sự (ĐH Luật TP.HCM), quy định hiện hành có đưa ra một số căn cứ để hủy phán quyết trọng tài. Cụ thể là trường hợp các bên không có thỏa thuận trọng tài hay thỏa thuận trọng tài vô hiệu mà trọng tài vẫn giải quyết hoặc trong trường hợp người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền… Trong khi đó, thực tế cho thấy việc có hay không có thỏa thuận trọng tài giữa các bên tranh chấp đôi khi rất khó xác định.

Từng tham gia nhiều vụ việc tại tòa án về hủy phán quyết trọng tài, bà Lê Phan Thùy Anh, Công ty Luật Asia Pacific International, cho biết mặc dù pháp luật quy định rõ ràng căn cứ để hủy phán quyết trọng tài nhưng trong thực tế tòa án hủy các phán quyết trọng tài không phù hợp với các quy định này. “Tôi có tham gia vụ phán quyết trọng tài năm 2010, sau đó bị hủy năm 2011 và căn cứ hủy của tòa là “trọng tài viên không vô tư khách quan”. Nhưng khi đưa ra căn cứ như thế nào là trọng tài viên không vô tư khách quan thì tòa án đi quá sâu vào nội dung của vụ kiện. Như vậy tòa án đã vi phạm chính quy định của Luật Trọng tài là khi xem xét hủy phán quyết trọng tài không được xem xét đến nội dung vụ kiện” - bà Anh kể.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Mỹ - Công ty Luật Á Châu cho rằng trình độ của thẩm phán ở VN hiểu trọng tài rất ít. “Vì vậy họ hay nghĩ và phán xét một cách tùy tiện, vô căn cứ. Nếu tòa án chỉ là những người vạch lá tìm sâu để quyết định thì rất khó cho trọng tài tồn tại. Thực tế có những vụ việc chỉ cần lên tòa án, có này kia với một cái giá nào đó là đã phán khác rồi” - ông Mỹ nói.

Nhà đầu tư chán nản

“Chúng tôi không phục trước các xét xử của tòa hủy phán quyết trọng tài vì những lý do vạch lá tìm sâu như vậy. Các quyết định của tòa tuyên hủy các phán quyết trọng tài như thế là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong tranh chấp thương mại. Điều này làm ảnh hưởng niềm tin của nước ngoài khi đầu tư vào VN” - bà Anh bức xúc nói.

Luật sư Bernadette Fahy, Công ty Luật Audier&Partners Vietnam, cũng cho biết việc yêu cầu thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài tại VN thường gặp vướng mắc về thủ tục và thời gian kéo dài. Ngoài ra, áp lực về nghĩa vụ chứng minh cũng là một vấn đề gây mệt mỏi cho nhiều DN nước ngoài trong việc thực hiệc các quyết định trọng tài ở VN.

Bà Bernadette Fahy dẫn chứng: Trong trường hợp cụ thể của Công ty ECOM (Thụy Sĩ) yêu cầu công nhận bảy phán quyết của Hiệp hội Bông quốc tế, có những sự trì hoãn không thể giải thích được. Chẳng hạn như phải mất 41 ngày để hồ sơ từ Bộ Tư pháp đến tòa sơ thẩm ở Hà Nội, trong khi cả hai cơ quan này đều ở Hà Nội. Theo quy định, tòa có hai tháng thụ lý hồ sơ nhưng tòa vẫn trễ 1-2 tháng mà không có thư gia hạn nào. Đến khi tòa tạm hoãn phiên họp xét đơn nhưng cũng không giải thích lý do vì sao…

“Chính những việc trên sẽ gây bất lợi cho các DN kinh doanh bông của VN bởi các DN này sẽ bị đưa vào danh sách công ty vi phạm của Hiệp hội Bông quốc tế và bị cấm tiếp cận đến các nguồn cung cấp bông sợi có chất lượng cao. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với ngành dệt may của VN cũng như ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại VN. Và một điều quan trọng không kém đó là tiềm ẩn khả năng VN phải chịu trách nhiệm theo các cam kết với nước ngoài” - luật sư Bernadette Fahy phân tích.

Chỉ cần một phán quyết bị hủy thì cộng đồng DN sẽ e ngại khi cân nhắc có nên chọn trọng tài VN hay không. Và ngược lại, nếu một phán quyết không bị hủy thì DN mạnh dạn chọn trọng tài VN hơn. Do đó, tòa án chúng ta cần lưu ý khi quyết định có nên hủy phán quyết trọng tài trong nước hay không.

Ông TRẦN HỮU HUỲNH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC)

Ở Hong Kong cũng có một trung tâm trọng tài quốc tế và khi phán quyết được đưa ra thì vai trò của trung tâm là chấm dứt, chúng tôi sẽ không can thiệp ở việc thực thi phán quyết đó. Việc này rất quan trọng và khi đó vai trò của tòa án rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến 2012, số phán quyết bị tòa án hủy rất thấp, chỉ có sáu vụ. Yêu cầu hủy phán quyết ở Hong Kong được tiến hành qua hai bước và xử lý trong vòng 14 ngày. Trong khi đó ở Việt Nam có tới bốn bước và mất rất nhiều thời gian.

CHIANN BAO, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài
quốc tế Hong Kong

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm