Ngày 22/7, tại thành phố La Haye - Hà Lan, Chủ tịch Toà án Tư pháp quốc tế (IJC), ông Hisashi Owada đã đọc bản phán quyết rất được quan tâm theo dõi ở Serbia, Kosovo cũng như trên toàn thế giới xung quanh tuyên bố độc lập của Kosovo. Theo Toà án Tư pháp quốc tế, tuyên bố độc lập của Kosovo ngày 17/2/2008 là không vi phạm luật pháp quốc tế.
Đây là một bất ngờ đối với Serbia, nhưng là một bất ngờ không hề được chờ đợi, bởi vào năm 2008, Serbia chính là nước đã đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa vấn đề độc lập của Kosovo ra Toà án Tư pháp quốc tế để phân xử và Serbia rất tin tưởng vào lập luận của mình.
Tuy phán quyết của Toà án Tư pháp quốc tế chỉ mang tính chất tham vấn mà không mang tính bắt buộc, nhưng phán quyết này vẫn gây phản ứng trái chiều trên trường quốc tế. Serbia ngay lập tức tuyên bố nước này sẽ không bao giờ công nhận độc lập của Kosovo. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định phán quyết của Toà án Tư pháp quốc tế không làm thay đổi quan điểm của Nga phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo.
Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh phán quyết của Toà án Tư pháp quốc tế và kêu gọi các nước châu Âu ủng hộ phán quyết này. Tiếp đó, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ phán quyết của Toà án Tư pháp quốc tế, cho rằng phán quyết này đã củng cố thêm tuyên bố độc lập của Kosovo và khẳng định quyền độc lập của Kosovo là “không thể đảo ngược”.
Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên liên quan tránh mọi hành động “khiêu khích” và có thể khiến các cuộc đối thoại đi vào ngõ cụt. Trong một bản thông cáo, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định Lực lượng An ninh quốc tế tại Kosovo (KFOR) sẽ tiếp tục duy trì nhiệm vụ của mình sau tuyên bố của Toà án Tư pháp quốc tế.
Cho tới nay, mới chỉ có 69 quốc gia trên thế giới công nhận độc lập của Kosovo, trong khi để Kosovo trở thành thành viên của LHQ, cần đa số (ít nhất 97 nước) thừa nhận. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phản đối hoặc không thừa nhận tuyên bố độc lập của Kosovo vì hai lý do chính: một là, Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an LHQ năm 1999 khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hoà liên bang Nam Tư, mà sau này là của Serbia; hai là, lúc khởi điểm, Kosovo không phải là một nước Cộng hoà thuộc Liên bang Nam Tư mà chỉ là một tỉnh tự trị, nên việc công nhận độc lập cho Kosovo sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm, khiến nhiều khu vực tự trị khác trên thế giới có thể đòi quyền độc lập.
Theo Quang Hưng (VOV)