Tòa dùng ‘từ lạ’, khó thi hành án

Gặp PV Pháp Luật TP.HCM, bà Hồ Thị Đức trình bày: Năm 1999, bà được UBND huyện Dĩ An (nay là thị xã Dĩ An, Bình Dương) cấp giấy đỏ cho mảnh đất rộng 33.383 m2 tại khu phố Nhị Đồng 2. Sau đó, bà chuyển nhượng một phần đất (hơn 19.000 m2) dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh với một công ty TNHH do ông D. làm giám đốc. Sau khi ký hợp đồng, bà Đức đã cho ông D. mượn giấy đỏ để thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng và làm thủ tục chuyển nhượng.

Tòa tuyên “quản thủ” giấy đỏ

Sau đó, ông D. bị khởi tố, truy tố về tội trốn thuế khi thực hiện một số dự án (trong đó có dự án hợp tác với bà Đức). Khi khám xét trụ sở công ty của ông D., CQĐT đã thu giữ sáu giấy đỏ, trong đó có giấy đỏ của bà Đức.

Tháng 7-2008, TAND huyện Dĩ An đã xử sơ thẩm, phạt ông D. 30 tháng tù treo, buộc phải nộp lại hơn 2,6 tỉ đồng tiền trốn thuế. Tòa còn áp dụng Điều 41 BLHS 1999 tuyên “quản thủ” sáu giấy đỏ mà CQĐT đã thu giữ để đảm bảo thi hành án (THA). Ông D. kháng cáo. Tháng 6-2010, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm đã tuyên y án.

Khi nhận được thông tin giấy đỏ của mình đã bị tòa tuyên “quản thủ”, năm 2011, bà Đức gửi đơn khiếu nại đến TAND thị xã Dĩ An, TAND tỉnh Bình Dương và Chi cục THA dân sự thị xã Dĩ An để yêu cầu tòa trả lại giấy đỏ cho mình. Bà Đức cho rằng thứ nhất, theo hợp đồng hợp tác giữa bà và công ty của ông D. thì bà chỉ hợp tác đầu tư chuyển nhượng hơn 19.000 m2 đất, phần đất còn lại hơn 14.000 m2 vẫn thuộc quyền sử dụng của bà. Thực tế thì gia đình bà cũng đang quản lý, sử dụng diện tích đất này nhưng bà không thể thực hiện các giao dịch khác như thế chấp, chuyển nhượng vì giấy đỏ đang bị cơ quan THA giữ. Thứ hai, việc tòa tuyên “quản thủ” giấy đỏ của bà là sai vì Điều 41 BLHS 1999 không có quy định và không cho phép tòa áp dụng biện pháp “quản thủ” giấy tờ đất. Thứ ba, các cơ quan tố tụng không đưa bà vào tham gia vụ án với tư cách là người liên quan nhưng lại tuyên “quản thủ” giấy đỏ của bà là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của bà.

Tháng 2-2015, TAND tỉnh Bình Dương có công văn trả lời, hướng dẫn bà Đức để xin lại giấy đỏ thì bà cứ liên hệ với Chi cục THA thị xã Dĩ An để được giải quyết theo thẩm quyền vì khi xử phúc thẩm xong tòa đã bàn giao hết giấy đỏ cho cơ quan THA. Bà Đức tiếp tục gửi đơn đến Chi cục THA thị xã thì nhận được công văn trả lời là chưa có cơ sở để trả giấy đỏ với lý do ông D. chưa nộp lại hơn 2,6 tỉ đồng tiền trốn thuế theo bản án đã tuyên.

Mảnh đất bị “quản thủ” giấy đỏ của bà Hồ Thị Đức. Ảnh: T.TÙNG

Khó thi hành vì không rõ ràng

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Chi cục THA thị xã Dĩ An cho biết trong vụ việc này, ngoài vướng mắc trên thì việc tòa án tuyên “quản thủ” giấy đỏ của bà Đức sẽ rất khó thi hành. Bởi lẽ theo cách hiểu thông thường, từ “quản thủ” có thể được hiểu là tạm giữ giấy tờ đất trong một thời gian để người phải THA thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Ở đây, tòa không xác định bà Đức là người tham gia tố tụng và phán quyết của tòa cũng không buộc bà phải thực hiện nghĩa vụ nào nên việc tuyên “quản thủ” giấy đỏ đứng tên bà là không ổn về mặt pháp lý. Thực tế thì ông D. mới là người phải THA, trong khi giấy đỏ đứng tên bà Đức (người không liên quan đến việc THA) nên cơ quan THA không thể kê biên, phát mại phần đất này để THA. Mặt khác, giả sử ông D. có thực hiện xong nghĩa vụ mà tòa tuyên buộc thì cơ quan THA có trả lại giấy đỏ cho bà Đức hay không cũng là một vấn đề mà tòa chưa đề cập.

“Trước đây, một số thẩm phán hay dùng từ “quản thủ” giấy tờ trong bản án nhưng thường thì những bản án đó không thi hành được” - vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Về mặt nghiệp vụ THA, ông Võ Thành Danh (Chi cục trưởng Chi cục THA quận 11, TP.HCM) nhận xét: “Quản thủ” là từ Hán-Việt mà trước đây khá lâu ông có thấy trong một số bản án. Điều đáng nói là trong Pháp lệnh THA dân sự (cũ) và Luật THA dân sự hiện hành đều không quy định cũng như không đề cập đến thuật ngữ này. Điều 41 BLHS 1999 (về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm) mà TAND huyện Dĩ An viện dẫn làm căn cứ tuyên “quản thủ” giấy đỏ của bà Đức cũng không quy định về biện pháp này.

“Theo tôi hiểu, “quản thủ” có nghĩa là tạm giữ giấy tờ đất để người phải THA thực hiện nghĩa vụ nào đó. Trong vụ này, bà Đức không được xác định là người liên quan đến vụ án, bà không phải thực hiện nghĩa vụ nào cả thì không hiểu ý tòa muốn tạm giữ giấy đỏ của bà để làm gì? Vô hình trung người bị thiệt thòi là bà Đức vì đất thuộc quyền sử dụng của bà nhưng lại bị vạ lây” - ông Danh nói.

Theo ông Danh, bà Đức nên có văn bản gửi cơ quan THA đề nghị cho biết bà có phải thực hiện nghĩa vụ nào không mà bị giữ giấy tờ đất. Nếu cơ quan THA không giải thích thì bà có quyền yêu cầu hai cấp tòa giải thích tại sao lại “quản thủ” giấy tờ nhà, đất của bà trong khi bà không liên quan đến vụ án. Nếu các tòa cấp dưới không có ý kiến thì bà có quyền đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM hoặc TAND Tối cao giải thích. Thậm chí bà có thể khiếu nại giám đốc thẩm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.

(Theo điều 41 BLHS 1999)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới