Theo đó, tòa tuyên chấp nhận đơn yêu cầu của ông L., hủy giấy kết hôn cấp cho ông với bà BTBT, đồng thời tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người.
Theo hồ sơ, ông L. và bà T. đều khai vào năm 1989, vì chưa đủ tuổi kết hôn nên cả hai từ Thái Nguyên (nơi đăng ký thường trú) về xã Xuân Viên (Nghi Xuân, quê mẹ của bà T.) để đăng ký kết hôn vì có người nhà làm ở UBND xã giúp đỡ. Lúc đó bà T. mới hơn 13 tuổi (SN 1976) nhưng lúc cấp giấy chứng nhận kết hôn thì UBND xã Xuân Viên ghi bà SN 1974. Sau đó, bà T. tẩy xóa trong giấy chứng nhận kết hôn sửa thành SN 1971, đồng thời tẩy xóa thời điểm cấp giấy chứng nhận kết hôn sửa từ năm 1989 thành 1993. Mục đích tẩy xóa là để hợp thức hóa giấy chứng nhận kết hôn cho phù hợp với độ tuổi của bà T. lúc bấy giờ chứ không có mục đích vụ lợi gì khác.
Làm việc với tòa, bà T. nhận thức việc tự ý sửa chữa như vậy là sai nên đề nghị hủy giấy chứng nhận kết hôn không số nói trên của UBND xã Xuân Viên. Cũng như ông L., bà T. đề nghị tòa không công nhận quan hệ vợ chồng giữa hai người.
Khi tòa xác minh, UBND xã Xuân Viên cho biết thời điểm năm 1989 không có sổ lưu giữ hộ khẩu thường trú và đăng ký kết hôn giữa ông L. và bà T. Cạnh đó, theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) thì tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận kết hôn, ông L. đã đủ tuổi kết hôn; bà T. thực chất mới hơn 13 tuổi, chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Ngoài ra, kết luận giám định cũng chứng minh có việc tẩy xóa trong giấy chứng nhận kết hôn. Tại thời điểm kết hôn, ông L. và bà T. đều không có hộ khẩu thường trú tại xã Xuân Viên nên về thẩm quyền, UBND xã này cấp giấy chứng nhận kết hôn là trái với quy định.
Từ đó, tòa kết luận việc UBND xã Xuân Viên cấp giấy chứng nhận kết hôn cho ông L. và bà T. là hoàn toàn trái pháp luật nên tuyên hủy giấy này và tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người.