Tòa tính án phí oan, đương sự kêu trời

Năm 2009, bà Âu Thu An khởi kiện bà LNN ra TAND thị xã Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu) để đòi lại hơn 385 m2 đất tại phường 8 mà theo bà An thì bà N. đã lấn chiếm của mình. Tháng 6-2010, TAND thị xã Bạc Liêu xử sơ thẩm đã tuyên bà An thắng kiện, buộc bà N. phải trả lại toàn bộ diện tích đất theo yêu cầu của bà An.

Không giải quyết, vẫn tính án phí

Phía bà N. kháng cáo. Tháng 9-2011, TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm đã tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm. Theo HĐXX, trong phần đất tranh chấp chỉ có hơn 23 m2 thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, hơn 362 m2 còn lại là đất lộ giới, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Với phần hơn 23 m2 thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì HĐXX tuyên buộc bà N. phải trả lại cho bà An. Còn với hơn 362 m2 đất lộ giới còn lại, HĐXX cho rằng thuộc thẩm quyền của UBND nên không giải quyết, không tuyên bên nào có quyền sử dụng.

Đến đây, HĐXX đã có một quyết định gây tranh cãi là buộc bà An phải nộp án phí hơn 44 triệu đồng cho phần yêu cầu đối với hơn
362 m2 đất lộ giới không được giải quyết này. Bà An ấm ức vì thắng kiện mà phải nộp án phí quá nhiều nên khiếu nại kéo dài cho đến nay.

Trao đổi với chúng tôi, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu Dương Công Lập cho biết: “Theo quy định, những phần yêu cầu nào của đương sự bị bác, nếu thuộc dạng tài sản phải chịu án phí có giá ngạch thì đương sự phải nộp án phí tương ứng cho phần bị bác đó. Ở vụ án nói trên, yêu cầu của bà An chỉ được chấp nhận với hơn 23 m2. Phần còn lại hơn 362 m2 đã không được chấp nhận nên việc bà phải nộp án phí là đúng quy định. Chúng tôi cũng xác định phần này không thuộc thẩm quyền của tòa án nhưng pháp luật chưa có quy định tòa không được tính án phí trong trường hợp này”.

Từ đó, ông Lập khẳng định rằng bản án phúc thẩm hợp lý, đúng pháp luật nên không đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm như khiếu nại của phía bà An.

Bà An liên tục khiếu nại phần “án phí oan” nhưng chưa được giải quyết. Ảnh: T.VŨ

Tòa sai!

Vụ việc trên đã đặt ra một vấn đề pháp lý: Trong trường hợp tòa không giải quyết yêu cầu đòi đất vì không thuộc thẩm quyền, người yêu cầu có phải đóng án phí hay không?

Thẩm phán Nguyễn A Đam (Phó Chánh án TAND huyện Cái Nước, Cà Mau) cho biết theo nội dung báo phản ánh, vụ án được thụ lý từ năm 2009 nên pháp luật điều chỉnh là BLTTDS 2004 và Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án 2009.

Điểm e khoản 1 Điều 168 BLTTDS quy định tòa án trả lại đơn trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Khoản 2 Điều 192 BLTTDS quy định tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý, trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của bộ luật này.

Về án phí, khoản 7 Điều 18 Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án 2009 quy định: Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 192 BLTTDS… thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.

Như vậy, có thể thấy với vụ việc dân sự bị tòa đình chỉ giải quyết vì không thuộc thẩm quyền của tòa án thì đương sự sẽ không phải nộp án phí. Đối chiếu vào vụ việc của bà An thì việc tòa phúc thẩm tính án phí với phần yêu cầu không giải quyết vì không thuộc thẩm quyền là sai quy định.

Đồng tình, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM nói: Tòa giải quyết bao nhiêu thì tính án phí bấy nhiêu. Tòa không thể tính án phí cả phần không thuộc thẩm quyền của mình nên không giải quyết được. Lẽ ra trong vụ việc của bà An, tòa phúc thẩm chỉ tính án phí đối với phần đất hơn 23 m2 mà mình giải quyết (bên thua kiện chịu).

“Cách tính án phí của tòa phúc thẩm không đúng quy định, gây thiệt thòi đến quyền lợi chính đáng của bà An. Do vậy, bản án phúc thẩm này cần được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để có thể khắc phục sai sót này” - luật sư Châu Quý Quốc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét.

Quên tính án phí của bị đơn

Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu (do Thẩm phán LTH làm chủ tọa) xét xử vụ kiện giữa bà An và bà N. đã có năm lần phải đính chính vì các sai sót về số liệu và tình tiết chưa rõ ràng.

Đặc biệt, ngoài phần tính án phí cho phần yêu cầu không thuộc thẩm quyền như đã nói, HĐXX phúc thẩm còn… quên tính án phí cho phần thua kiện hơn 23 m2 đất của bị đơn N.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm