Sáng nay (20-4), TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã tuyên án vụ Nguyễn Thiên Ân (SN 1980) bị VKS quận này truy tố về tội cố ý gây thương tích.
Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Vụ án này, TAND quận Bình Thạnh từng hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu giám định tâm thần đối với Ân và một số vấn đề khác. Sau khi điều tra bổ sung, VKS quận giữ nguyên cáo trạng.
Ngày 16-1-2018, TAND quận Bình Thạnh đã đưa vụ án ra xét xử lần hai nhưng hoãn xử vì luật sư (LS) bào chữa cho Ân bị tai nạn. Mới đây (17-4), TAND quận đưa vụ án ra xét xử lần ba.
Tại phiên tòa này, Ân thừa nhận hành vi đánh mẹ nuôi là bà Nguyễn Thị Thơm nhưng cho rằng vào ngày gây án do sử dụng thuốc tâm thần quá liều nên bị ảo giác. Ân khai rằng cứ nghe có giọng nói bên tai, nhìn mẹ mình cứ tưởng người khác và thấy người đó tấn công mình nên mới đánh.
Bị cáo Ân đang rời phòng xử. Ảnh: YC
HĐXX dành rất nhiều thời gian để tập trung làm rõ kết luận giám định về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của Ân.
Giám định viên (GĐV) ông Nguyễn Ngọc Quang khẳng định ngày gây án Ân bị ảo giác do rối loạn tâm thần vì dùng chất kích thích chứ không phải do bệnh lý.
Tại tòa, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị xử phạt Ân dưới khung từ hai năm sáu tháng tù đến ba năm tù (trong khi khoản 3 Điều 104 BLHS cũ có mức phạt từ năm năm tù đến 15 năm tù).
LS bào chữa cho bị cáo thì cho rằng Ân bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bị bệnh tâm thần chứ không phải do dùng chất kích thích mạnh (ma túy nhóm chất Opiat) nên đề nghị HĐXX tuyên bố Ân không phạm tội, đình chỉ giải quyết vụ án và trả tự do cho bị cáo tại tòa. Cạnh đó, LS còn cho rằng có những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng.
HĐXX nhận định tại phiên xử Ân thừa nhận hành vi đánh mẹ vì bị ảo giác, tưởng mẹ mình là người khác. Kết quả giám định xác định Ân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy nhóm chất Opiat, bị bệnh HIV dẫn đến nhiễm trùng và ký sinh trùng.
GĐV xác định ngày gây án Ân bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bị ảo giác vì sử dụng chất kích thích (sử dụng ma túy trong một thời gian dài) chứ không phải bệnh lý cơ thể. Vì vậy, VKS truy tố Ân là đúng người đúng tội.
HĐXX nhận định Ân phạm tội với người già (bị hại đã hơn 70 tuổi) và có nhân thân xấu khi từng bị kết án về tội tàng trữ chất ma túy, từng nhiều lần bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, HĐXX cũng xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ như: Ân đang bị bệnh HIV dẫn đến nhiễm trùng và ký sinh trùng, tại tòa GĐV cho rằng việc này ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi. Ân đã thành khẩn khai báo, thực sự ăn năn hối cải về hành vi của mình. Bị cáo thuộc thành phần hộ nghèo. Cả bị hại và Ân đều thừa nhận hai mẹ con rất yêu thương nhau, bản thân Ân đánh bà Thơm là do ảo giác chứ bản chất không muốn gây thương tích cho chính mẹ mình. Bị hại không yêu cầu bồi thường, tha thiết xin giảm nhẹ hình phạt cho Ân để Ân về chăm lo cho bà do tuổi đã cao, sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn, mắt đã mờ, không nơi nương tựa.
Vì vậy, theo HĐXX không cần phải tiếp tục cách ly bị cáo nên tuyên phạt bị cáo bằng với thời gian tạm giam là hai năm hai tháng hai ngày tù và trả tự do ngay tại tòa.
Bà Thơm ngồi bệt xuống nền nhà vì vui mừng. Ảnh: YC
Kết thúc phiên xử, bà Thơm xúc động không kìm được nước mắt, liên tục chắp tay cảm ơn HĐXX. Vừa bước ra khỏi ghế, bà ngồi bệt xuống nền nhà, khóc méo máo vui mừng khi Ân được thả. Lấy khăn lau nước mắt, bà nghẹn ngào: “Cho tui ngồi một chút, tôi vui quá đi không nổi”.
LS và mọi người chạy tới động viên bà, có người bảo lo về nhà để còn gặp con nữa. Nghe tới đây bà vội đứng dậy, tấm lưng lom khom, chân khập khiễng bước ra khỏi phòng xử mà miệng vẫn lẩm bẩm: “Con tôi nó được về rồi, được về rồi…”.
Theo cáo trạng, Ân được bà Thơm nhận làm con nuôi từ năm 1996 và sống tại nhà bà Thơm ở phường 17 (quận Bình Thạnh). Khoảng 1 giờ ngày 17-2-2016, Ân đang ngủ trên gác thì bà Thơm thức dậy, mở đèn đi vệ sinh. Ân bực tức, dậy đuổi theo… đánh bà Thơm. Bà Thơm chạy xuống đất mở được ổ khóa thì bị Ân đuổi kịp, lấy ổ khóa đánh liên tục vào đầu, mặt. Bà Thơm lấy hai tay đỡ cũng bị Ân đánh tiếp trúng hai tay. Khi thấy bà Thơm bị chảy máu thì Ân dừng đánh, đóng cửa lại rồi bỏ lên gác ngủ.