Ngày 30-8, TAND TP Tam Kỳ, Quảng Nam đã xử sơ thẩm vụ ngư dân Trần Văn Liên kiện Công ty Liên Á (trụ sở tại Hà Nội) và Công ty Đóng tàu Bảo Duy (trụ sở tại Đà Nẵng), yêu cầu bồi thường do tàu vỏ thép bị hỏng. Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên buộc Công ty Bảo Duy phải bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng vì có lỗi dẫn đến sự cố hư hỏng máy tàu.
Tàu giá 17 tỉ đắp chiếu
Ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) trình bày khi tàu gặp sự cố, gia đình ông rơi vào cảnh rất khó khăn.
Theo đó, con tàu vỏ thép trị giá hơn 17 tỉ đồng chưa ra khơi đã hỏng phần máy không thể hoạt động được. Trước đó, ông Liên ký hợp đồng đóng tàu này với hai công ty nên họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong hai đơn vị thì Công ty Liên Á chủ yếu cung cấp máy móc và kỹ thuật cho tàu.
Ông Liên cho rằng con tàu trị giá rất cao, ông đã phải vay mượn khắp nơi để đóng tàu nhưng sau đó không có phương tiện để đi đánh bắt. Vì vậy, ông yêu cầu hai công ty phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường những thiệt hại mà ông đã phải gánh chịu. Ông Liên yêu cầu phía bị đơn phải thực hiện hoàn chỉnh nội dung hợp đồng đảm bảo tàu phải hoạt động được như cam kết để bàn giao cho ông.
Cụ thể, ông Liên yêu cầu buộc Công ty Liên Á phải bồi thường bằng việc lắp đặt máy mới lên tàu và chịu toàn bộ chi phí. Công ty Bảo Duy phải có trách nhiệm trong việc chạy thử, nghiệm thu, kiểm định chất lượng tàu theo tiêu chuẩn trước khi bào giao cho người sử dụng…
Gay cấn nhất là phần tranh luận tại tòa khi đại diện của hai bị đơn đưa ra nhiều quan điểm, lý lẽ để khẳng định mình không có lỗi, tránh việc bồi thường.
Ngư dân Trần Văn Liên sau phiên tòa. Ảnh: HT
Có lỗi nên phải bồi thường
Luật sư (LS) bảo vệ quyền lợi cho Công ty Bảo Duy tranh luận cho rằng công ty chỉ ký hợp đồng đóng tàu nên không phải chịu trách nhiệm về phần máy móc. Các hạng mục của hợp đồng đóng đã hoàn tất nên không phải chịu trách nhiệm khi máy bị hỏng. Cũng theo LS này, Công ty Bảo Duy không có quan hệ gì với Công ty Liên Á nên không thể phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường.
Vị LS nói: “Khi chúng tôi đóng tàu xong thì anh Liên cung cấp cho chúng tôi một cỗ máy anh tự mua ở đâu đó. Bây giờ nguyên đơn khởi kiện yêu cầu liên đới bồi thường thì chúng tôi không biết phải có trách nhiệm liên đới gì. Hợp đồng của chúng tôi là thân và vỏ tàu. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã làm việc tích cực với nguyên đơn và cơ quan chức năng của tỉnh. Trong buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản mới đây, các bên hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt nhưng Công ty Liên Á không đồng ý”.
Trong khi LS bảo vệ quyền lợi của Công ty Liên Á cho rằng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thì hợp đồng được ký kết đúng pháp luật, đúng nguồn gốc, xuất xứ của máy móc. Tức là Công ty Liên Á đã thực hiện đúng hợp đồng, không có lỗi cố ý hay vô ý, do đó không xem xét trách nhiệm bồi thường. LS cũng đề nghị không có căn cứ trách nhiệm liên đới giữa hai công ty là bị đơn.
Theo vị LS này, ông Liên từng xác nhận Công ty Bảo Duy đã thuê hoặc nhờ một lái tàu chạy thử và bị hỏng máy đến nay. Do đó phải chứng minh được công ty có lỗi gì và ai là người gây ra lỗi thì mới buộc bồi thường. “Vấn đề kỹ thuật xảy ra ngày 29-3 chạy thử là khách quan, nếu chúng tôi chưa bàn giao thì sao phía nguyên đơn lại sử dụng máy tàu. Do đó ai tham gia và gây ra lỗi trên chuyến tàu ngày 29-3 thì phải chịu trách nhiệm, chúng tôi không có mặt nên không chịu trách nhiệm” - LS lập luận.
HĐXX nhận định ông Liên đã ký hợp đồng đóng tàu với Công ty Bảo Duy vào ngày 18-9-2015 và đến tháng 12-2015 thì ký hợp đồng với Công ty Liên Á về việc mua máy tàu với số tiền 2,8 tỉ đồng. Việc ông Liên ký hợp đồng với hai công ty trên là có thật. Việc để xảy ra sự cố hỏng máy, hai công ty đã đổ lỗi cho nhau. Theo tòa, việc xảy ra ngày 29-3-2016, phía Công ty Bảo Duy đã thuê người vận hành tàu nhưng không có kỹ thuật viên của Công ty Liên Á. Như vậy phía Công ty Bảo Duy phải có trách nhiệm trong việc này.
Cuối cùng, HĐXX đã tuyên buộc Công ty Bảo Duy phải bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng vì đã gây ra việc hỏng máy tàu.
“Tôi mừng lắm...!” Chia sẻ với mọi người sau phiên tòa, ngư dân Trần Văn Liên vui vẻ nói: “Tôi mừng lắm. Như vậy là sau hai năm tàu nằm bờ thì tôi đã được bồi thường một khoản tiền để sửa chữa tàu ra khơi đánh bắt. Thời gian qua là những ngày khó khăn nhất của gia đình tôi vì không phương tiện và vốn để ra khơi bám biển. Bao nhiêu tài sản, công sức của tôi và gia đình đã dồn hết vào con tàu đã bị hỏng…”. Cũng theo ông Liên, trong thời gian tới có thể ông sẽ tiếp tục khởi kiện yêu cầu hai công ty trên phải bồi thường do việc con tàu nằm bờ lâu ngày dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho ông. |