Tòa xử ‘siêu nhanh’ sau 15 ngày thụ lý

Theo kế hoạch, hôm nay (26-4), TAND TP Nha Trang, Khánh Hòa sẽ xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa ông Mai Thanh Tùng (47 tuổi, ngụ TP Nha Trang) và bị đơn là Công ty TNHH Thiên Hải Phú (trụ sở tại phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang).

Kiện đòi 56 tỉ đồng

Theo hồ sơ, ngày 25-3, ông Tùng gửi đơn khởi kiện yêu cầu tòa buộc Công ty Thiên Hải Phú (gọi tắt là Công ty) phải trả 56 tỉ đồng. Ông Tùng cho rằng Công ty vay tiền theo giấy mượn viết tay ngày 1-10-2018 có chữ ký và chữ viết của người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Đơn khởi kiện được TAND TP Nha Trang đóng dấu công văn đến ngày 27-3. Cùng ngày, ông Tùng có đơn đề nghị tòa không tiến hành hòa giải tại trung tâm hòa giải mà yêu cầu tòa thụ lý ngay nên tòa ra thông báo cho ông Tùng nộp tiền tạm ứng án phí. Ngày 1-4, tòa ra thông báo thụ lý vụ kiện theo thủ tục thông thường, yêu cầu đương sự trong thời hạn 15 ngày phải nộp cho tòa văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện.

Ngày 6-4, Công ty gửi văn bản phản đối yêu cầu khởi kiện, cho rằng không có giao dịch vay mượn với ông Tùng. Công ty đề nghị tòa yêu cầu ông Tùng giao nộp bản chính giấy mượn 56 tỉ đồng để trưng cầu giám định theo thủ tục hình sự.

Hai ngày sau, ông Tùng có đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa khách sạn Volga là tài sản thuộc sở hữu của Công ty để đảm bảo thi hành án.

Ngày 9-4, thẩm phán thụ lý vụ kiện có công văn đề nghị các cơ quan chức năng, ngân hàng cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết vụ kiện. Cùng ngày này, thẩm phán ban hành thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải…

Khách sạn Volga - tài sản liên quan vụ tranh chấp vay tài sản. Ảnh: HOÀI QUỐC

Khiếu nại thẩm phán

Ngày 15-4, Công ty có đơn phản tố đối với ông Tùng và một người liên quan trong vụ án. Theo đó, Công ty đề nghị tòa tuyên bố giấy mượn 56 tỉ đồng ghi ngày 1-10-2018 vô hiệu; yêu cầu ông Tùng trả lại con dấu cho công ty; yêu cầu ông Tùng và người liên quan giao nộp các văn bản giao dịch giả cách đang nắm giữ... Công ty còn đề nghị tòa bổ sung một người tham gia tố tụng với tư cách là người liên quan và là một thành viên góp vốn 30% vốn điều lệ của Công ty.

Ngay hôm sau, thẩm phán có văn bản trả lời đơn phản tố với nội dung không chấp nhận phần lớn các yêu cầu của bị đơn. Thấy vậy, Công ty có đơn khiếu nại công văn, yêu cầu chánh án TAND TP Nha Trang thu hồi, hủy bỏ thông báo này để giải quyết đơn phản tố. Bị đơn cũng yêu cầu ngừng phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải để vụ án được giải quyết khách quan, đúng pháp luật.

Ngày 18-4, thẩm phán ban hành thông báo kết quả phiên họp kiểm tra về giao nộp tiếp cận chứng cứ. Chỉ một ngày sau đó, thẩm phán đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 26-4.

Ngày 22-4, Công ty tiếp tục có đơn khiếu nại đến TAND và VKSND tỉnh Khánh Hòa về việc TAND TP Nha Trang không giải quyết đơn khiếu nại. Bị đơn cũng khiếu nại việc thẩm phán đã quyết định đưa vụ kiện ra xét xử chỉ sau 15 ngày thụ lý là nhanh bất thường, không đảm bảo khách quan, vô tư trong việc giải quyết vụ án...

Chánh án nói gì?

Chiều 25-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) Võ Quốc Tuấn cho hay lãnh đạo tòa này đã ra quyết định giải quyết khiếu nại của Công ty Thiên Hải Phú đối với thẩm phán.

Theo đó, tòa chấp nhận đơn khiếu nại của Công ty về khiếu nại công văn ngày 16-4 (có nội dung không chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn) do thẩm phán ban hành. Tòa đã yêu cầu thẩm phán thu hồi công văn này và thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của Công ty theo quy định. “Theo quy định của BLTTDS, nếu không chấp nhận phản tố thì thẩm phán ra thông báo trả lại đơn. Nhưng thẩm phán Hiếu lại ra văn bản trả lời đơn là không đúng…” - ông Tuấn thông tin.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm ngày 26-4, tòa vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định. Khi xử xong, nguyên đơn hay bị đơn nếu thấy quyền lợi của mình không đảm bảo thì kháng cáo lên tòa cấp trên giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Trước ý kiến cho rằng quá trình giải quyết vụ kiện trên diễn ra nhanh bất thường, Chánh án Tuấn nói: “Tùy theo vụ việc cụ thể. Có những vụ phải xác minh ở nhiều địa phương khác nhau nên kéo dài thời gian. Vụ này chỉ là tranh chấp hợp đồng vay, đơn giản là đòi nợ. Tòa thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay theo giấy mượn tiền. Bên kia nói giấy vay tiền không đúng thì HĐXX sẽ xem xét theo quy định”.

Luật không quy định thời hạn tối thiểu

Theo Điều 203 BLTTDS 2015 thì những tranh chấp về dân sự, tranh chấp về hôn nhân và gia đình, thời hạn xét xử là không quá bốn tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại và tranh chấp về lao động thì thời hạn này là không quá hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới