Lễ hội thổi cơm của dân Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được bắt nguồn từ việc tưởng nhớ công của tướng quân Phan Tây Nhạc Đại Vương. Phan Tây Nhạc Đại Vương là bộ tướng quân của vua Hùng thứ 18, đóng quân ở làng Thị Cấm. Khi tới làng Thị Cấm, người dân nơi đây xin được đi theo phục vụ quân đội. Nhạc tướng quân bèn cho tổ chức cuộc thi nấu cơm để tuyển chọn người giỏi phục vụ cho công việc hậu cần. Chiến thắng trở về, ông cùng vợ là bà Hoàng Dung công chúa dạy người dân lao động sản xuất.
Sau khi mất, ông được người dân tôn làm Thành hoàng làng. Mỗi năm vào mùng 8 âm lịch, làng lại mở hội thi nấu cơm để tưởng nhớ ông.
Trong tiếng trống rộn ràng, với sự cổ vũ nhiệt tình của dân làng và khách thập phương, bốn đội thổi cơm thi với đồng phục khác nhau, mỗi đội 10 người gồm cả nam và nữ đại diện cho bốn giáp của làng. Phần thi kéo lửa được diễn ra ngay trước cửa chính của đình.
Người kéo lửa bằng cách tạo ra ma sát từ nhùi rơm nếp chà vào ống giang.
Bên ngoài, các đội sẽ chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho nấu cơm.
Bốn người giã thóc thành gạo, ở phần thi này cần đòi hỏi những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
Sau khi giã xong, gạo sẽ được đổ ra, một người dần sàng cho sạch trấu cám và thổi cơm.
Gạo trắng, nước sôi, những người phụ nữ khéo tay nhất trong đội được lựa chọn để thổi cơm. Từ kéo lửa cho đến nấu thành cơm chỉ diễn ra trong vòng một giờ đồng hồ.
Cơm được nấu trong niêu đồng cổ và được đun bằng rơm nếp vàng ươm, sạch sẽ sao cho cơm chín tới, dẻo thơm.
Dân làng Thị Cấm tin rằng giáp nào giành chiến thắng trong cuộc thi thì năm ấy mọi người trong giáp đó sẽ ấm no, làm ăn thuận lợi.
Chính vì vậy, cuộc thi diễn ra rất sôi động. Mọi người đều cố gắng hết sức để giáp mình giành chiến thắng.
Mọi người cùng đốt nhiều đống rơm nhỏ ở giữa sân để lấy than nóng ủ cơm.
Đồng thời, để kéo dài thời gian cho cơm được chín đều, các đội sẽ tạo nên những đống tro giống nhau và vùi nồi cơm vào bất kì một đống tro. Đại diện ban giám khảo sẽ phải tìm nồi cơm trong các đống tro than đó.
Sau khi cơm được tìm thấy, các cụ sẽ mang vào trong.
Cơm xới ra bát cúng thần linh sau đó ban giám khảo mới được nếm và chấm giải.
Tham dự lễ hội, từ người dân trong làng cho đến du khách ai cũng tràn đầy hứng khởi khi được thưởng thức nét đẹp văn hóa truyền thống vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa giàu giá trị hiện thực, giá trị nhân văn khi đề cao vai trò của nông nghiệp, ca ngợi tài năng khéo léo, đảm đang trong công việc nội trợ, bếp núc của người phụ nữ Việt Nam.