"Thích ứng với già hóa dân số ở châu Á: Nhìn dưới góc độ tham gia xã hội và việc làm", là chủ đề của hội thảo do Hội Người cao tuổi Việt Nam hợp tác với tổ chức HelpAge International tại Việt Nam và Quỹ Hòa bình Sasakawa tổ chức ngày 7-3.
Báo cáo tại hội thảo cho hay, khu vực Đông Nam Á và Đông Á trong đó có Việt Nam đang trải qua thời kỳ già hóa dân số với tốc độ chưa từng thấy từ trước tới nay.
Năm 2011, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Già hóa nhanh ở Việt Nam là do tuổi thọ bình quân của người Việt đang tăng lên nhanh chóng (đạt gần 73,5 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới và xếp thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Brunei) trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất tử lại giảm mạnh.
Điều này đặt ra những thách thức đặc biệt trong lĩnh vực tham gia xã hội và việc làm. Đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ và nhìn nhận dưới mọi khía cạnh nhằm tìm ra các giải pháp hữu ích để giải quyết các thách thức; đồng thời nhận được sự quan tâm của các bên tham gia Hội thảo.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi nhằm vừa chăm sóc, vừa phát huy vai trò của người cao tuổi và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi theo từng giai đoạn phát triển đất nước, kể cả những lúc khó khăn nhất.
Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm.
Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tích cực tham gia ý kiến cả về thực tiễn, cơ hội, thách thức, kinh nghiệm hữu ích về chủ đề này của khu vực và từng quốc gia tham gia Hội thảo để có được những ý kiến đóng góp thiết thực cho chủ đề của Hội thảo.
Từ đó, phát hiện những vấn đề có tính dự báo nhằm đưa ra những kiến nghị, những vấn đề phải giải quyết đặt ra với Việt Nam về vấn đề già hóa dân số nói chung, đặc biệt về khía cạnh tham gia xã hội và việc làm. Trên cơ sở đó sẽ giúp Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan có liên quan có định hướng chính sách đúng, phù hợp với người cao tuổi trong thời gian tới.
Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề nổi bật hiện nay có liên quan tới Người cao tuổi như: Hệ quả kinh tế xã hội và sức khỏe của việc nâng tuổi hưu với lao động nam và nữ; Việc sử dụng thời gian của Người cao tuổi trong các công việc gia đình; Trầm cảm, cô đơn tuổi già - các hệ lụy kinh tế - xã hội và sức khỏe; Sự khác biệt giới về sức khỏe và việc sử dụng các dịch vụ y tế; Các nhu cầu không được đáp ứng, nguồn nhân lực và vấn đề tài chính trong chăm sóc dài hạn cho Người cao tuổi; Dinh dưỡng của Người cao tuổi; Dân trí về tài chính của Người cao tuổi...
Hội thảo cũng lắng nghe những chia sẻ, những kinh nghiệm nhằm thích ứng với già hóa dân số ở Nhật Bản và Thái Lan.