Qua giới thiệu của nhà sưu tập tranh Trương Văn Thuận, tôi có cuộc gặp gỡ với họa sĩ Trương Văn Ý vào một buổi chiều cuối năm 2018 tại nhà ông Thuận ở quận 5 (TP.HCM). Mặc chiếc sơmi xám đã bạc màu, đi đứng có phần khó khăn, chậm chạp, người họa sĩ già bảo ba, bốn năm nay mỗi khi trái gió trở trời, đôi chân ông lại bị sưng đau như thế.
“Tôi sợ nhất trời không cho vẽ nữa!”
Kể về những bức chân dung nghệ sĩ cải lương, họa sĩ Trương Văn Ý cho biết năm 2014, khi biết tin TP.HCM sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, trong đầu ông bắt đầu hình thành ý tưởng vẽ bộ tranh chân dung các nghệ sĩ để chuẩn bị cho cuộc triển lãm.
“Tôi tìm hiểu thông tin rồi gặp các nghệ sĩ để trò chuyện nhằm bắt được cái thần của họ để vẽ. Với những nghệ sĩ đã qua đời, tôi tìm thông tin qua các bài viết, hình ảnh trên mạng… để thực hiện tác phẩm. Nếu may mắn có ảnh màu còn mới thì việc vẽ tranh sẽ đơn giản hơn, còn nếu chỉ có ảnh trắng đen thì tôi cần tưởng tượng để tô điểm cho nhân vật” - ông tâm sự.
năm 2015, ông bắt tay vẽ nhân vật đầu tiên là Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Ông tâm sự trong những lần bà đến thăm hỏi các nghệ sĩ lão thành tại viện dưỡng lão, ông từng có duyên gặp gỡ, trò chuyện và cảm mến trước tấm lòng của bà nên chọn vẽ bà đầu tiên. Vẽ không theo đặt hàng, không vụ lợi nên ông cứ thế miệt mài cầm cọ suốt gần ba năm.
Khi bộ tranh mới được 30 bức, một Việt kiều Pháp mê cải lương đã tìm đến ngỏ lời mua toàn bộ với giá 5 triệu đồng/bức nhưng ông không đồng ý vì nghĩ nếu bán một phần thì bộ tranh cả trăm bức sẽ trở nên khiếm khuyết, dang dở. “Sau triển lãm nhiều người hỏi tôi có bán tranh không hoặc nếu các nghệ sĩ mua lại tranh thì bán thế nào. Tôi trả lời luôn là không bán vì tôi còn nhiều tranh khác để bán kiếm sống. Những bức tranh này ngay từ đầu tôi đã nghĩ sẽ tặng cho các tổ chức để trưng bày. Điều tôi sợ nhất là trời không cho mình vẽ nữa chứ nếu còn sức lực thì cứ vẽ. nghề của mình mà, sao bỏ được!” - ông cười hiền.
Họa sĩ lão thành Trương Văn Ý bên bức tranh nghệ sĩ Khánh Linh, một người bạn thân thiết của ông. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Bén duyên với sân khấu cải lương
Không nhiều người biết họa sĩ Trương Văn Ý từng là giám đốc Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật Gia Định từ năm 1972 đến trước ngày 30-4-1975. Thời bấy giờ, gia đình ông có ba phòng tranh thuộc loại lớn ở Sài Gòn, cuộc sống vì thế khá sung túc.
Năm 1973, đoàn hát Út Bạch Lan - Thành Được thiếu người thiết kế phục trang cho các vở tuồng lấy cốt truyện từ Nhật. Biết ông vừa tu nghiệp hội họa từ Nhật về, người bạn thân là họa sĩ Đặng Hoài Nam đã giới thiệu ông về làm công việc thiết kế phục trang cho đoàn. Công việc mới đầy thú vị giúp ông làm quen với nhiều danh ca, soạn giả cải lương đương thời. Qua những lần trò chuyện ông đã dần bắt được thần thái, nét diễn của những nghệ sĩ mà về sau chính là nguồn tư liệu quý báu để ông sáng tác những bức chân dung. Cái duyên của ông với sân khấu cải lương cũng được bắt đầu từ đây.
Sau năm 1975, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ông phải vẽ tranh kiếm tiền nuôi sống cả nhà. Thời gian này ông cũng mất luôn liên lạc với người bạn thân Đặng Hoài Nam. Mãi đến những năm 1990, sau nhiều lần dò hỏi ông mới gặp lại người bạn khi ấy đang sống trong viện dưỡng lão nghệ sĩ. Trong buổi tái ngộ đầy ắp cảm xúc và kỷ niệm sau nhiều năm xa cách, họa sĩ Trương Văn Ý đã vẽ tặng người bạn cũ bức chân dung sơn dầu. “Đây cũng là bức chân dung đầu tiên tôi vẽ. Về sau, trong một cuộc triển lãm cá nhân tôi đã mượn lại bức chân dung này để trưng bày và từ đó được nhiều người biết đến” - ông kể.
Sau buổi chuyện trò ngắn, chúng tôi cùng trở về căn hộ chung cư nhỏ cũ kỹ của họa sĩ Trương Văn Ý trên đường Trần Phú. Đúng như ông nói, thứ có nhiều nhất ở nhà ông là tranh, tranh được treo từ cầu thang vào trong nhà. Phòng khách vừa là phòng ngủ vừa là nơi sáng tác của ông cũng chất đầy tranh.
Mặc dù đã ở tuổi 85 nhưng mỗi ngày ông vẫn miệt mài bên giá vẽ. “Những bức chân dung nghệ sĩ của tôi vẫn phải gửi ở nhà ông Thuận vì chưa có chỗ trưng bày phù hợp. Vài lần chúng tôi cũng ngỏ ý tặng tranh cho một số tổ chức nhưng họ đều im lặng. Tôi hiểu họ cũng có cái khó vì để trưng bày hơn 100 bức tranh thì phải có một không gian lớn, bảo quản cũng khó khăn nên họ phải đắn đo. Hy vọng chúng tôi sẽ sớm tìm được người hỗ trợ nơi trưng bày những bức tranh này” - người họa sĩ già mong mỏi.
Cơ duyên gặp gỡ giữa tôi và họa sĩ Trương Văn Ý có thể là sự gặp gỡ giữa niềm đam mê hội họa của một họa sĩ với một người sưu tập tranh. Tôi đứng ra tổ chức triển lãm mỹ thuật “Chân dung nghệ sĩ cải lương qua nét vẽ của họa sĩ Trương Văn Ý” diễn ra tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) vừa qua một phần muốn giúp họa sĩ thực hiện ước nguyện, phần muốn người dân có cơ hội ngắm chân dung các nghệ sĩ đã làm rạng danh nghệ thuật cải lương. Nhà sưu tập tranh TRƯƠNG VĂN THUẬN |