Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nhân viên và bảo vệ của siêu thị đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc bắt nữ sinh đeo tấm biển “Tôi là người ăn trộm”. Cụ thể, hành vi của họ đã có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự. Tội này bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù thấp nhất từ ba tháng đến cao nhất là ba năm.
Siêu thị không có quyền phạt tiền
Theo luật sư Hoan, hành vi trên đã xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ sinh. Siêu thị là nơi công cộng, đông người qua lại nên mức độ ảnh hưởng đến tâm lý của nữ sinh là rất lớn. Không chỉ dừng lại đó, nhóm người này còn chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng với tốc độ lan truyền rất nhanh khiến mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hậu quả của hành vi này làm cho nữ sinh xấu hổ, tủi nhục, sợ hãi nên không dám tiếp xúc với ai. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ lúc nhân viên siêu thị bắt nữ sinh đeo bảng.
Tuy người bị hại là trẻ em (khả năng tự vệ còn hạn chế) nhưng điều luật này không quy định đây là tình tiết định khung. Ngoài ra, do hành vi của những người liên quan không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 121 nên cơ quan tiến hành tố tụngchỉ có thể khởi tố vụ án nếu có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện của người bị hạitheo Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Siêu thị bắt nộp phạt số tiền 200.000 đồng thì cũng là vi phạm pháp luật. Nếu nữ sinh có hành vi lấy sách của siêu thị nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể xử lý hành chính. Cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp này là công an cấp xã chứ không phải siêu thị.
Thư xin lỗi của giám đốc Siêu thị Vĩ Yên gửi em S. và gia đình.
Đừng làm tổn thương trẻ em
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cảm thấy đau lòng và lo ngại cho nữ sinh này bởi hành vi của người lớn đã làm tổn thương nghiêm trọng đối với em. Khoản 9 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nghiêm cấm hành vi áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Hành vi của bảo vệ và nhân viên siêu thị đã vi phạm điều cấm nêu trên đối với trẻ em.
“Thật ra lấy hai quyển sách để rồi phải trả giá là bị trói phơi mặt ra cho mọi người dòm ngó, bình phẩm thì quả là điều tủi nhục quá sức đối với một học sinh như em. Rồi mai đây em về nhà nơi em sống, vào lớp học, vào trường đối diện với mọi người ra sao khi em đã mang tiếng ăn trộm sách? Lẽ ra các nhân viên, bảo vệ chỉ nên thông báo cho nhà trường, gia đình để giáo dục em” - luật sư Liên phân tích.
Cũng theo luật sư Liên, trẻ em là tờ giấy trắng tinh khi chúng ta vẩy mực vào thì dù có xóa, có chùi đi chăng nữa vẫn trở thành vết sẹo. Vết sẹo này không thể một sớm một chiều là lành lại như xưa. Đáng nói là Bộ luật Dân sự chỉ quy định việc bồi thường cho người bị tổn thương (không phân biệt người lớn hay trẻ em). “Đối với trẻ em thì mức bồi thường phải cao hơn người lớn để có điều kiện giúp trẻ sớm trị lành các vết sẹo tâm lý” - luật sư Liên đề nghị.
KIM PHỤNG
Đối với những người gây ra hành vi trên có lẽ họ cũng không hiểu được tâm sinh lý của trẻ cũng như hậu quả mà em phải gánh chịu. Họ cho rằng làm vậy là để răn đe em này và làm gương cho những em khác không được trộm sách. Điều này có thể hiểu được là họ chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ của mình đối với siêu thị nhưng cách hành xử đã làm tổn thương đến trẻ em. Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN (Đoàn Luật sư TP.HCM) |