Tội phạm thẻ tín dụng giả lộng hành

Tại hội nghị chuyên đề thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao do VKSND TP.HCM tổ chức mới đây, VKSND TP cho biết hiện nay xu hướng sử dụng các loại thẻ điện tử (ATM) như một phương thức thanh toán đã được sử dụng phổ biến. Song song đó, tội phạm sản xuất, sử dụng và lưu hành thẻ tín dụng (credit card) giả cũng ngày càng gia tăng.

Mang cả máy làm thẻ giả vào Việt Nam

Theo VKSND TP, loại tội phạm này có quy mô, tổ chức chặt chẽ, thường do người nước ngoài giữ vai trò chủ mưu. Đặc biệt, người phạm tội còn đem cả máy móc, phương tiện vào làm thẻ tín dụng giả tại Việt Nam.

Điển hình là vụ Looi HawShyan, Khoo Boon Loke (quốc tịch Malaysia) và Cổ Kim Thạch (quốc tịch Trung Quốc) bị bắt quả tang về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Khi bắt những người này, lực lượng chức năng thu được hơn 100 thẻ tín dụng giả, máy làm thẻ tín dụng giả, một máy tính xách tay, một thiết bị ghi dữ liệu thẻ và hàng trăm phôi thẻ ngân hàng. Kết quả điều tra xác định những người này vào Việt Nam, sử dụng thẻ tín dụng giả để thanh toán tiền quán bar, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống và rút tiền mặt tại các trụ máy ATM.

Vụ khác, Stoyanov Yuliyan Georgiev (quốc tịch Bulgaria) cũng bị công an bắt quả tang khi đang rút tiền bằng thẻ tín dụng giả. Tại CQĐT, Stoyanov khai vào đầu tháng 2-2014, tại TP Sofia (Bulgaria), Stoyanov được một người tên Ivan Ivabov thỏa thuận, hướng dẫn cách sử dụng thẻ tín dụng giả để sang Việt Nam rút trộm tiền. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ trong vòng tám ngày, Stoyanov đã dùng 44 thẻ tín dụng giả rút được gần 800 triệu đồng tại các trụ máy ATM của bảy ngân hàng ở TP.HCM. Stoyanov thông báo qua Skype (trên mạng Internet) cho Ivan biết và đề nghị đổi hết số tiền rút được sang USD rồi mang về Bulgaria cho Ivan. Ivan không đồng ý, yêu cầu Stoyanov tiếp tục ở lại Việt Nam để rút hết tiền trong tài khoản mới được về. Nghe lời, Stoyanov tiếp tục ở lại Việt Nam cho đến khi bị bắt.

Một người Bulgaria khác tên Grozdan Ilchev mua 53 thẻ tín dụng giả được rao bán trên mạng với lời quảng cáo là có thể rút được tiền ở Việt Nam chỉ với giá… 100 USD. Sau đó, Grozdan đã mang số thẻ tín dụng giả sang Việt Nam rút tiền ở tám trụ máy ATM của năm ngân hàng được 181 triệu đồng thì bị bắt.


Nicolas Nguyễn - một Việt kiều Pháp bị TAND tỉnh Ninh Thuận kết án 12 tháng tù vì dùng thẻ ATM giả rút tiền ngân hàng. Ảnh: INTERNET

Đọc trộm mật khẩu thẻ

bên cạnh việc đem thẻ tín dụng giả từ nước ngoài vào Việt Nam hay sản xuất thẻ tín dụng giả ngay tại Việt Nam để rút tiền, người phạm tội còn dùng thủ đoạn lắp các thiết bị điện tử nhằm lấy trộm thông tin khách hàng tại các trụ máy ATM. Sau đó họ sao chép toàn bộ dữ liệu trộm được vào các phôi thẻ trắng rồi dùng chính mật khẩu của khách hàng để đến các trụ máy ATM rút tiền trong tài khoản thật.

tháng 5-2015, cơ quan công an đã bắt Petko Pee Nedlchev và Milko Obreshkov Matev (quốc tịch Bulgaria). Sau khi bị bắt, họ đã khai nhận toàn bộ các bước để biến thẻ tín dụng giả thành thẻ thật như trên. Theo CQĐT, hai người này đã dùng hai miếng màu xám bên trong có gắn nhiều thiết bị điện tử có chức năng ghi hình ảnh bàn phím của trụ máy ATM (nhằm đọc mật khẩu của thẻ ATM) cùng một miếng nhựa màu trắng dài khoảng 7 cm, có khe nhỏ, gắn mạch điện tử. Miếng nhựa trắng được lắp vào cổng ra vào thẻ. Khi chủ thẻ đưa thẻ ATM vào, thẻ phải đi qua miếng nhựa trắng này. Thiết bị điện tử cấy trên đó sẽ đọc và sao chép trộm toàn bộ thông tin của thẻ. Thiết bị này còn có công dụng sao chép những thông tin trộm được vào phôi thẻ trắng để tạo thẻ ATM mới hoàn toàn giống thẻ gốc…

Dùng phần mềm gián điệp “rút ruột” ngân hàng

Ngoài những vụ người nước ngoài rút tiền bằng thẻ tín dụng giả tại các trụ máy ATM, cũng có những vụ ngân hàng Việt bị rút ruột bởi chính nhân viên tin học cũ của mình.

Chẳng hạn vụ Lâm Nguyễn Minh Tâm (nguyên nhân viên tin học của Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long - MHB). Tâm được MHB giao nhiệm vụ làm và trả thẻ ATM cho khách hàng. Tháng 9-2010, Tâm bất ngờ làm đơn xin nghỉ việc, hai tháng sau thì chính thức nghỉ việc.

Khi bàn giao hồ sơ, công việc, Tâm đã giữ lại năm thẻ ATM của khách (được khuyến mãi thẻ nhưng không đến nhận). Từ tháng 12-2010 đến tháng 1-2011, Tâm đã dùng máy vi tính cá nhân và máy vi tính ở các tiệm Internet lên mạng tải về các phần mềm Perfect Keylogger (lưu lại các phím đã gõ trên bàn phím máy vi tính), Net Support Manager phiên bản 9.0 (quản lý mạng máy tính từ xa qua Internet) và Wine (tạo môi trường Windows trong hệ điều hành Linux). Sau đó từ máy vi tính cá nhân, Tâm đột nhập vào mạng máy tính của MHB, sử dụng các mật khẩu đã cài đặt từ khi còn làm việc tại MHB để truy cập vào máy chủ của Phòng giao dịch Hải Thượng Lãn Ông. Thông qua phần mềm Teamviwer, Tâm tiếp tục cài đặt vào máy chủ Phòng giao dịch Hải Thượng Lãn Ông các phần mềm Net Support Manage và Wine, đồng thời cài đặt phần mềm Perfect Keylogger vào máy vi tính của kế toán viên và máy vi tính của kiểm soát viên.

Sau khi lấy được tên, mật khẩu đăng nhập chương trình thẻ của kế toán viên và kiểm soát viên, Tâm đăng nhập vào chương trình thẻ trên máy vi tính của kế toán viên, thực hiện lệnh nộp tiền mặt khống 5 tỉ đồng. Xong, Tâm đăng nhập vào máy vi tính của nhân viên khác thực hiện lệnh duyệt nộp số tiền trên vào một tài khoản thẻ ATM mà Tâm không bàn giao cho MHB để rút ra chiếm đoạt. Sau khi rút được hơn 500 triệu đồng, Tâm đã bị bắt.

LỆ TRINH

Quy định tội danh riêng

Theo VKSND TP.HCM, để phòng, chống loại tội phạm này có hiệu quả cần ban hành một quy trình về việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm có yếu tố nước ngoài, thủ tục xử lý và giải quyết các nguồn tin trên. Bên cạnh đó cũng cần có quy định riêng, mở rộng thời hạn điều tra, truy tố tội phạm do người nước ngoài thực hiện bởi những khó khăn khách quan về bất đồng ngôn ngữ, xác minh nhân thân đối tượng.

VKSND TP cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành hệ thống văn bản pháp lý quản lý hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng. Hiện nay các ngân hàng kinh doanh thẻ đều phải tự xây dựng một quy chế nghiệp vụ riêng, dẫn đến không thống nhất, gây khó khăn cho việc hợp tác kết nối hệ thống giữa các ngân hàng. Mặt khác, cần sửa đổi BLHS, quy định tội danh riêng và có khung hình phạt nghiêm khắc loại tội phạm sử dụng thẻ giả và câu kết lừa đảo, giả mạo giao dịch thẻ (hiện nay các hành vi này thường bị xử lý về tội trộm cắp tài sản hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm