'Tôi sợ đến lúc chết, mẹ vẫn mang danh kẻ giết người'

(PLO)- Ròng rã kêu oan suốt 30 năm, đến nay sức cùng lực kiệt nhưng chưa có kết quả rõ ràng, gia đình cụ bà 85 tuổi sợ rằng “đến lúc chết cụ vẫn phải mang danh kẻ giết người”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-6, luật sư (LS) Hà Công Tâm, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết vừa có văn bản gửi Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) Quân khu 1, đề nghị một số nội dung liên quan đến việc xin lỗi và bồi thường người bị oan.

LS Tâm là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ Nguyễn Thị May (85 tuổi), cùng hai con là Trần Thị Nga (58 tuổi) và Trần Ngọc Hùng (53 tuổi, đều trú tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Đây là ba nhân vật trong loạt bài “Cụ bà 83 tuổi và 2 con kêu oan suốt 30 năm” mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh.

Thống nhất cách tính bồi thường tinh thần

Tháng 10-2021, sau khi không tìm được tiếng nói chung, ba mẹ con cụ May quyết định khởi kiện VKSQS Quân khu 1, đề nghị TAND tỉnh Cao Bằng buộc VKSQS Quân khu 1 xin lỗi công khai và bồi thường. Ban đầu cụ May yêu cầu bồi thường 15 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh xuống còn 10 tỉ đồng.

Cụ May (thời điểm còn đi lại được) cùng luật sư đến làm việc với Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 1. Ảnh: UYÊN TRANG

Cụ May (thời điểm còn đi lại được) cùng luật sư đến làm việc với Viện Kiểm sát quân sự
Quân khu 1. Ảnh: UYÊN TRANG

Tháng 4-2022 vừa qua, trong quá trình thụ lý vụ án, TAND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức buổi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ; đồng thời tiến hành phiên hòa giải giữa nguyên đơn và bị đơn.

Theo biên bản hòa giải mà LS cung cấp, đại diện VKSQS Quân khu 1 nhất trí xin lỗi công khai đối với ba mẹ con cụ May, thời gian cụ thể sẽ xin ý kiến lãnh đạo.

Về yêu cầu bồi thường, tuy chưa đưa ra con số cụ thể nhưng hai bên đã thống nhất về cách tính bồi thường tổn thất tinh thần đối với ba mẹ con cụ May và thu nhập thực tế bị mất của hai người con cụ. Một số khoản khác hai bên chưa tìm được phương án chung.

“Nếu tính theo các khoản đã thống nhất, số tiền bồi thường rơi vào khoảng 5 tỉ đồng” - LS Tâm cho hay.

Tuy nhiên, từ khi hòa giải đến nay đã hai tháng, phía VKSQS Quân khu 1 không có thêm động thái gì. Vì vậy, phía LS của cụ May đã gửi văn bản nêu trên, đề nghị VKSQS Quân khu 1 có những phương án rõ ràng.

Cụ thể, văn bản đề nghị VKSQS Quân khu 1 đưa ra thời gian chính xác thực hiện công khai xin lỗi đối với ba mẹ con cụ May; sớm thực hiện những nội dung các bên đã thống nhất tại phiên hòa giải tháng 4-2022; sớm đưa ra quan điểm đối với những khoản bồi thường mà hai bên chưa thống nhất.

“Trường hợp không nhận được ý kiến phản hồi của VKSQS, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị TAND tỉnh Cao Bằng ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử để đảm bảo tuân thủ về mặt thời gian theo quy định của BLTTDS 2015” - LS Tâm nhấn mạnh.

Nộp đơn khởi kiện VKS quân sự ở đâu?

Theo quy định tại chương VI Luật Tổ chức TAND năm 2014, tòa án quân sự chỉ xét xử sơ thẩm các vụ án theo quy định của BLTTHS. Cụ thể là các vụ án hình sự được quy định theo thẩm quyền tại Điều 272 BLTTHS năm 2015 như vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng…

Do đó, khi khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (một vụ án dân sự) thì dù bị đơn là VKSQS, thẩm quyền thụ lý vẫn thuộc về TAND, tòa án quân sự không thụ lý giải quyết. Người dân nộp đơn khởi kiện tại TAND theo thủ tục tố tụng dân sự.

“Chỉ sợ mẹ chết mà vẫn chưa được xin lỗi công khai”

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Dũng (con trai, cũng là người đồng hành cùng cụ May trong nhiều chuyến ngược xuôi đi kêu oan) cho biết hiện sức khỏe cụ May rất yếu. Khoảng bốn tháng trở lại đây, cụ chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại cũng như tự vệ sinh cá nhân.

“Điều gia đình lo lắng nhất là khi mẹ tôi chết mà vẫn mang danh kẻ giết người, chưa kịp được xin lỗi công khai để dư luận biết rằng gia đình tôi bị oan” - ông Dũng nói.

Vẫn theo lời ông Dũng, dù được đình chỉ bị can nhưng hơn 30 năm qua, mẹ và anh chị ông không hề nhận được quyết định hay giấy tờ nào. Tiếng oan treo lơ lửng trên đầu ba mẹ con, hàng xóm có người biết bị oan, cũng có người còn hồ nghi. Cuộc sống gia đình vì vụ án này mà chịu nhiều đớn đau, tủi nhục.

“Ròng rã ba thập niên đi gõ cửa khắp các cơ quan, từ Cao Bằng đến Hà Nội, nay mẹ tôi đã già yếu, sức cùng lực kiệt, ước nguyện lớn nhất của mẹ và cả gia đình tôi là được công khai xin lỗi trước khi mẹ nhắm mắt xuôi tay” - ông Dũng chia sẻ.

Từng khẳng định không có căn cứ xin lỗi, bồi thường

Theo nội dung vụ án oan, tối 7-2-1988, Thượng úy Lê Danh Tân (công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng) trên đường trả phép có ghé nhà cụ May ngủ nhờ. Khoảng 4 giờ hôm sau, Thượng úy Tân bị ngã xuống hố phân heo, dẫn tới tử vong.

Tháng 3-1988, VKSQS tỉnh Cao Bằng (nay là VKSQS Quân khu 1) đã khởi tố ông Trần Ngọc Hùng (con trai cụ May) về tội giết người. Hai tháng sau, cụ May và con gái cụ là bà Trần Thị Nga cùng bị khởi tố về tội giết người.

Tháng 3-1991, VKSQS Quân khu 1 đình chỉ bị can đối với ba mẹ con cụ May vì không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Ba mẹ con cụ May được trả tự do sau khi cụ May bị tạm giam năm tháng, ông Hùng 22 tháng và bà Nga hai tháng.

Kể từ đó, do không nhận được giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền xác định mình không phạm tội, cụ May đã gửi đơn khắp nơi kêu oan và yêu cầu bồi thường. Mãi đến tháng 5-2020, VKSQS Quân khu 1 trả lời đơn theo hướng không có căn cứ để giải quyết. Cụ May khiếu nại nhưng cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm.

Từng trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện VKSQS Quân khu 1 khẳng định không có căn cứ để xin lỗi công khai cũng như bồi thường oan cho ba mẹ con cụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm