Mới đây, Bộ Công an công bố dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đặc xá.
Theo Bộ Công an, hiện nay Hiến pháp năm 1992 đã được thay thế bằng Hiến pháp năm 2013; BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định một chế định mới là tha tù trước thời hạn có điều kiện…, do đó việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết.
Một phạm nhân được đặc xá dịp Quốc khánh năm 2015. Ảnh: TUYẾN PHAN
Tăng thời gian tối thiểu chấp hành án
Theo dự thảo, người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn (gọi chung là người bị kết án - PV) được đề nghị đặc xá phải đảm bảo năm điều kiện sau:
1. Phạm tội lần đầu;
2. Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo tốt;
3. Đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là 1/2 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với án phạt tù chung thân, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù;
4. Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác;
5. Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, so với Luật Đặc xá năm 2007, một trong những điểm mới của dự thảo quy định về điều kiện để người bị kết án được đặc xá thì phải là người phạm tội lần đầu.
Đặc biệt, thời gian chấp hành tối thiểu đối với án phạt tù có thời hạn để được xem xét đặc xá là 1/2, thay vì 1/3 như trước đây; đối với án tù chung thân là 15 năm thay vì 14 năm.
Những ai không được đặc xá?
Dự thảo cũng quy định chi tiết hơn các trường hợp không được đề nghị đặc xá. Theo đó, người có đủ các điều kiện như đã nói ở trên nhưng không được đề nghị đặc xá trong các trường hợp sau đây:
1. Bản án hoặc quyết định của tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng.
2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác.
3. Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.
4. Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII (các tội về xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (các tội về phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), Điều 299 (tội khủng bố) của BLHS; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) của BLHS do cố ý hoặc người bị kết án bảy năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều: Điều 168 (cướp tài sản), Điều 169 (bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), Điều 248 (sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 251 (mua bán trái phép chất ma túy) và Điều 252 (chiếm đoạt chất ma túy) của BLHS.
5. Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của BLHS.
Dự thảo cũng đề cập đến các trường hợp đặc xá đặc biệt. Theo đó, trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10, Điều 10a và Điều 11 của luật này.