"Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! (…) Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông/ Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân/ Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn/ Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em, những lời yêu thương". Năm nay, ca khúc cũng tròn 35 tuổi.
Bây giờ, nhạc sĩ Hoàng Hà (tên thật là Hoàng Phi Hồng) và vợ đang sống ở thành phố biển Vũng Tàu, trên đường Lê Quý Đôn. Năm nay đã bước qua tuổi 80 nhưng tuổi già vẫn chưa khiến ông ngừng nghỉ. Hằng ngày, ông vẫn ngồi bên chiếc máy tính đặt ở góc phòng, viết nhạc, in đĩa và "lướt web".
Nhạc sĩ Hoàng Hà
Hồi ức về bài hát mãi xanh cùng năm tháng này, nhạc sĩ Hoàng Hà kể: "Bài hát này tôi viết xong trong đúng một đêm (26-4-1975) tại căn lều nứa nhà tôi ở Yên Phụ, ven bờ Hồ Tây. Cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!".
Trước đó, nhạc sĩ viết "Sục sôi cách mạng", "Hát trên đường phố giải phóng", "Chào Nha Trang giải phóng", "Hội toàn thắng"... Vậy là trong một tháng tròn (từ ngày 1-4 đến 1-5), ông đã viết 11 ca khúc được phát đi trên hai làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng. "Thật là một thời điểm kỳ lạ, mà suốt cuộc đời sáng tác của tôi chưa bao giờ làm được. Tôi nghĩ, đó chính là thành tích thần kỳ của quân và dân ta năm ấy đã làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy. Thực ra ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi vào sự kiện vĩ đại toàn thắng 30 tháng 4 của toàn dân tộc nhưng đó là một thành công giúp tôi tự tin hơn trên con đường sáng tác", nhạc sĩ tự hào nói.
Viết xong bài hát này, ngay sáng hôm sau, Hoàng Hà mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó, nhạc sĩ Nguyễn An là tổ trưởng tổ biên tập đọc và duyệt, rồi giao ngay cho Nhà hát giao hưởng. Ca sĩ Trung Kiên là người được chỉ định thể hiện bài này. Nhớ lại buổi thu âm đầu tiên ấy, tác giả tâm sự: "Nghe anh Trung Kiên thấy xúc động quá. Giọng hát của anh Trung Kiên có sự đồng cảm, hoàn toàn như tưởng tượng của tôi về ngày toàn thắng vậy!".
Còn có một điều bất ngờ nữa, cũng giống như nhạc sĩ Hồ Bắc khi viết Sài Gòn quật khởi, Hoàng Hà viết ca khúc lịch sử này khi ông chưa đặt chân vào Sài Gòn. Nhạc sĩ tâm sự: "Nhiều bạn bè vẫn nghĩ rằng tôi đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày sôi động ấy hay ít nhất cũng đã biết đến nó qua những thông tin đặc biệt. Nhưng không, mãi đến năm 1977, tôi mới tận mắt trông thấy Sài Gòn, trong dịp vào công tác chuẩn bị tổ chức Hội diễn "Hoa Phượng đỏ" cho thiếu nhi…".
Nhạc sĩ hồi tưởng tiếp: "Từ giữa tháng tư năm 1975, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động. Trong cơ quan, chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Lắm lúc rất nóng ruột, tôi lại chạy ra ban công nhìn xuống đường. Trên đường phố cũng như vậy, tràn ngập một không khí phấn khởi, người qua lại dường như ai cũng khẩn trương, hoạt bát hơn. Nhiều hôm sau giờ làm việc tôi không về nhà mà ở lại cơ quan để tiếp cận với tin tức nhanh hơn, đầy đủ hơn. Nhưng nếu chỉ có cảm xúc trong bối cảnh ở Hà Nội, thì chắc bài hát đã có một hình dạng khác. Viết được "Đất nước trọn niềm vui" cũng là cả một quá trình tích lũy lịch sử, cảm xúc, tưởng tượng từ lâu lắm".
35 năm trước, năm 1975, Bắc - Nam liền một dải. Tiếng hò reo sung sướng ấy bật ra không chỉ từ con tim của Hoàng Hà, mà dường như, "Đất nước trọn niềm vui" còn là tiếng nói chung của nhiều người dân, của một dân tộc đã trải qua bao năm chịu đô hộ. Giờ đây, ca khúc vẫn vang lên rất đỗi tự hào.
Theo Hoàng Mai (HNM)