Truyền thông ngày 12-7 tường thuật trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Đức tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dừng cung cấp dầu do Triều Tiên, theo Sputnik.
“Hiện việc tăng cường áp lực lên Triều Tiên là rất cần thiết và tôi muốn các anh phải giữ một vai trò mang tính xây dựng hơn” - ông Abe nhấn mạnh trong cuộc họp bên lề. Tờ Nikkei (Nhật) dẫn một nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản cho biết theo sau tuyên bố cứng rắn này, ông Abe đã kêu gọi Trung Quốc dừng cung cấp dầu cho Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong cuộc gặp G20 tuần trước. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh đang làm mọi thứ cần thiết để duy trì các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Ông Tập nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua đàm phám và phản đổi bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào.
Đầu ngày 12-7, tờ Izvestiya (Nga) dẫn một nguồn tin ngoại giao tường thuật Nga và Trung Quốc có thể sẽ không ủng hộ bản dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới lên Triều Tiên. Theo tiết lộ, Mỹ đã đề nghị gói trừng phạt mới này.
Theo Wall Street Journal, Trung Quốc thực chất vẫn là trụ cột chính để Triều Tiên dựa dẫm. Trong năm năm qua, Trung Quốc chiếm hơn 80% lượng hàng hóa nhập và xuất khẩu của Triều Tiên, đồng thời là nhà cung cấp dầu chính cho Triều Tiên. Nó giúp tạo nguồn lực để Triều Tiên duy trì “sự sống” thậm chí khi quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xấu đi.
Việc giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn diễn ra thường nhật dọc đoạn biên giới dài 1.416 km giữa hai nước. Các công ty của Trung Quốc và Triều Tiên vẫn bí mật mua bán than đá, quặng sắt cùng các nguồn tài nguyên khác bất chấp các biện pháp trừng phạt.