25 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, phần lớn số vũ khí Triều Tiên sở hữu ngày một lỗi thời. Tuy nhiên, một số vũ khí trong kho của Bình Nhưỡng hiện nay lại khá mới, trong đó có loại tên lửa chống hạm tiên tiến vừa được phóng hồi đầu tháng 6 năm nay. Tạp chí National Interest (Mỹ) nhận định các yếu tố này làm dấy lên không ít nghi vấn về nguồn gốc thật sự của các “báu vật” mới trong kho vũ khí Triều Tiên.
Những cỗ máy cũ kỹ
Sau chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953), Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) được tái xây dựng với một loạt vũ khí được Liên Xô và Trung Quốc cung cấp.
Trong những năm 1960-1970, các xe tăng chiến đấu T-34 của Triều Tiên đều được thay thế bằng những chiếc T-62 và T-55 do Liên Xô chế tạo. Một hạm đội gồm 77 tàu ngầm lớp Romeo cũng được mua từ Trung Quốc.
Một trong những thương vụ lớn gần nhất của nước này là vụ mua 17 chiến đấu cơ đa năng MiG-29 “Fulcrum” và 36 máy bay tấn công Su-25 Frogfoot từ Liên Xô trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Có thể thấy hai người hàng xóm Moscow và Bắc Kinh chính là các nguồn cung vũ khí chủ lực cho Bình Nhưỡng trong giai đoạn này, dù có lúc Triều Tiên ưu tiên nhiều hơn cho một trong hai “người anh”.
Sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào năm 1991 đã khiến Triều Tiên mất đi một “tri kỷ” quan trọng chuyên cung cấp các khoản ưu đãi lý tưởng cho nước này. Những xe tăng loại mới nhất của Triều Tiên hiện chỉ được chế tạo dựa trên mẫu T-62 của Liên Xô trong khi các tàu ngầm lớp Romeo cũng còn nằm trong biên chế.
Việc nâng cấp, chẳng hạn như bổ sung tên lửa chống tăng Bulsae cho xe tăng chiến đấu chủ lực Chonmaho cũng chẳng làm tăng mấy hiệu quả chiến đấu của những vũ khí lỗi thời này. Không những vậy, theo National Interest, từ xe tăng, tàu chiến, máy bay đến pháo binh của Triều Tiên đã bắt đầu ít được “ngó ngàng, chăm sóc” ngay đầu những năm 1980.
Triều Tiên ngày càng đẩy mạnh đầu tư phát triển tên lửa. Ảnh: GETTY
Những tân binh đình đám
Trong khi đó, vẫn có một số vũ khí hiện nay cho thấy sự trái ngược hoàn toàn với bộ sưu tập vũ khí già cỗi của Triều Tiên. Đó là các tên lửa đạn đạo được Triều Tiên tin tưởng đầu tư mạnh trong những năm gần đây…
Theo tờ Nikkei (Nhật), Triều Tiên hiện sở hữu khoảng 1.000 tên lửa trong kho vũ khí của nước này. Đơn cử, tên lửa tầm ngắn Scud đã có thể tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc trong khi tên lửa Rodong có thể chạm đất Nhật Bản. Đối với vùng lãnh thổ Guam của Mỹ, chỉ một tên lửa tầm trung Musudan cũng đã có thể là mối đe dọa tiềm ẩn.
Trong số những tân binh được chế tạo nhờ công nghệ nước ngoài, có một loại được cho là bản sao của tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 của Nga. Loại tên lửa này có tầm bắn 130 km với khả năng mang một đầu đạn nặng 145 kg và bay sát các đỉnh sóng trên mặt nước lâu nhất có thể để không bị phát hiện. Được dẫn đường bằng radar chủ động, loại tên lửa này cũng có biệt danh Harpoonski vì trông bề ngoài khá giống tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ.
Mặc dù Kh-35 được phát triển trước khi Chiến tranh lạnh kết thúc nhưng loại tên lửa này vẫn không được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô. Đến năm 2003, biến thể Kh-35 Uran mới được hải quân Nga đưa vào sử dụng. Tên lửa này lần đầu tiên xuất hiện tại Triều Tiên vào tháng 6-2014 khi được Bình Nhưỡng đưa vào một video tuyên truyền. Trong đoạn phim, một tên lửa giống hệt Uran đã được phóng từ một tàu chiến mặc dù phần cứng gắn trên tàu dường như khác với phần cứng của Nga. Đến ngày 8-6-2017, Triều Tiên đã phóng một loạt bốn tên lửa Kh-35 từ bờ biển phía Đông nước này trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Một loại vũ khí khác của Triều Tiên cũng khiến thế giới ngỡ ngàng, đó là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa Pongae-5 (hay thường được các cơ quan tình báo Mỹ gọi là KN- 06). Loại tên lửa này có hình dáng giống với tên lửa S-300 của Nga hay HQ-9 của Trung Quốc. Nguồn gốc bí ẩn của Pongae-5 khiến việc đánh giá năng lực của loại vũ khí này phần nào gặp trở ngại.
Pongae-5 được cho là cũng có một radar mảng pha tương tự loại FLAP LID được dùng cho S-300, làm nhiệm vụ phát hiện mục tiêu và điều khiển hỏa lực. Triều Tiên hôm 24-5 vừa qua đã tiến hành phóng thử Pongae-5. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thời điểm đó tuyên bố các khuyết điểm trước đây của hệ thống này đã hoàn toàn được khắc phục và hệ thống hiện sẵn sàng hoạt động.
Cuối cùng, một loại vũ khí khác của Triều Tiên cũng gây sự chú ý, đó là hệ thống pháo phản lực phóng loạt mới KN-09. Hệ thống này gồm tám ống phóng chở trên xe tải quân sự HOWO 6 × 6. Sự xuất hiện của các cánh điều chỉnh trên mũi rốc két cho thấy mỗi rốc két có thể được dẫn đường chính xác bằng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc hoặc GLONASS của Nga.
Ai là “nhà hảo tâm”?
Theo Washington Post, nhiều bộ phận quan trọng của các tên lửa đạn đạo Triều Tiên không được chế tạo nội địa mà hiện được cung cấp bởi các công ty nước ngoài. Giới chuyên gia quân sự đã đưa ra ba giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của những tân binh này.
Giả thuyết đầu tiên là Triều Tiên có thể đã liên hệ được với các nhà khoa học quân sự từng làm việc cho Liên Xô và dùng tiền thuê họ làm việc cho Bình Nhưỡng. Triều Tiên khó có thể làm được điều này vào những năm 1990 do kinh tế nước này vào thời điểm đó khá chật vật. Tuy nhiên, với sức bật kinh tế ngày một lên mặc dù chậm, nước này có thể đã có đủ nguồn lực để làm được điều đó. Khả năng Triều Tiên sử dụng hình thức này đặc biệt đúng với trường hợp tên lửa Uran và Pongae-5.
Một giả thuyết khác, đó là Triều Tiên đã sở hữu được công nghệ quân sự này thông qua một bên thứ ba. Về việc chuyển giao công nghệ gián tiếp, giới chuyên gia cho rằng các tên lửa chống hạm Uran có thể đến từ chính quyền quân sự trước đây của Myanmar. Với việc sở hữu loại tên lửa này của Nga cùng quan hệ rất thân thiết với Bình Nhưỡng, Myanmar có thể đã chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên. Ngoài Myanmar, bên thứ ba khác trong trường hợp này có thể là Iran.
Cũng liên quan tới giả thuyết này, loại tên lửa Pongae-5 có thể được chế tạo dựa trên công nghệ của tên lửa S-300 đang được triển khai tại Syria. Trong khi đó, hệ thống tên lửa phóng loạt KN-09 có khả năng được chế tạo dựa trên hệ thống A-100 của Trung Quốc. Pakistan, quốc gia từng dính nhiều bê bối làm ăn ngầm với Triều Tiên, lại là nước từng mua hệ thống này.
Giả thuyết cuối cùng, đó là những vũ khí mà Triều Tiên đang nắm trong tay do chính Nga và Trung Quốc bí mật cung cấp. Giả thuyết này gây nhiều tranh cãi hơn vì cả Moscow và Bắc Kinh đều ngưng bán vũ khí cho Triều Tiên trong thời gian dài. Đồng thời, việc bán vũ khí cho một quốc gia luôn sẵn sàng có chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ là điều nguy hiểm về mặt chính trị.
National Interest bình luận: Có thể nói dù bị bao vây bốn phương tám hướng, Triều Tiên vẫn cho thấy nước này luôn biết cách đạt được những điều mình muốn. Việc sản xuất được các vũ khí hiện đại là bằng chứng cho thấy Triều Tiên có đủ nhân lực, vật lực và tài lực để thực hiện “tôn chỉ” đảm bảo sự sống còn của quốc gia.
Triều Tiên đẩy mạnh phát triển tên lửa Báo Diplomat đầu tháng 5 năm nay cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang xây ít nhất năm đảo nhân tạo trên biển Hoàng Hải, gần địa điểm thử tên lửa Sohae. Tờ báo cho biết Triều Tiên đã xây dựng các đảo nhân tạo này trong vòng ít nhất năm năm qua, được cho là để phục vụ mục đích phóng tên lửa. Theo CNN, tính từ đầu năm nay tới ngày 8-6, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 16 tên lửa trong 10 vụ thử. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cuối tháng 5 vừa qua còn tuyên bố Bình Nhưỡng hiện sẵn sàng phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tấn công Mỹ bất cứ khi nào lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un, ra lệnh. Tuy nhiên, John Schilling, chuyên gia tên lửa của trang 38 North, cho rằng Triều Tiên phải ít nhất tới năm 2020 thì mới có thể phát triển xong ICBM có khả năng chạm lục địa Mỹ. |