Theo Japan Times, trước lo ngại Triều Tiên có thể sắp thử hạt nhân hoặc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, các địa phương trên khắp Nhật Bản đã thực hiện yêu cầu của chính quyền trung ương về cung cấp thông tin ứng phó trong trường hợp Nhật Bản trở thành mục tiêu.
Cổng thông tin điện tử Bảo vệ dân sự thuộc Ban thư ký Nội các về những việc phải làm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên đã cung cấp thông tin về cách người dân sẽ được thông báo về một cuộc tấn công tên lửa sắp xảy đến và những hành động họ nên làm. Tuy nhiên, với việc Tokyo thừa nhận sẽ chỉ có thể có 10 phút từ khi cảnh báo được ban hành, người dân gần khu vực bị tấn công có rất ít thời gian để sơ tán tới nơi an toàn.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukkuksong của Triều Tiên được trình diễn tại lễ duyệt binh hôm 15-4. Ảnh: Reuters
70 quan chức khủng hoảng và thảm họa khu vực hồi tuần trước đã nhóm họp tại Tokyo kêu gọi cần thiết phải có thêm nỗ lực để cảnh báo người dân và thiết lập kế hoạch của riêng họ.
Trong cuộc họp, ông Hirofumi Yoshimura, thị trưởng TP Osaka với 8,8 triệu dân, cho biết: “Rất khó để phát hiện sớm một tên lửa sau khi rời bệ phóng, có thể là mất vài phút. Tùy vào từng trường hợp, các hệ thống cảnh báo, chuông báo động có thể chỉ kịp báo trước năm đến năm phút trước khi tên lửa tới”.
Nhật Bản có một hệ thống cảnh báo sớm gọi là J-Alert trực thuộc Ban thư ký Nội các, có nhiệm vụ cảnh báo người dân cả nước về một cuộc tấn công tên lửa sắp xảy ra. Mọi thông tin sẽ được truyền đi thông qua vệ tinh, điện thoại và mạng máy tính cho giới chức quản lý thảm họa địa phương.
Chính quyền địa phương sau đó sẽ cho phát cảnh báo thông qua hệ thống loa phát thanh, các kênh truyền hình khẩn cấp, radio, điện thoại cá nhân. Trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công từ Triều Tiên, người Nhật được khuyến cáo tìm trú ẩn trong các hầm ngầm hay các tòa nhà kiên cố. Nếu không kịp để làm theo khuyến cáo này, họ nên nằm xuống sàn hay núp dưới các gầm bàn.
Chính quyền các tỉnh cũng yêu cầu triển khai hoạt động diễn tập ứng phó khủng hoảng và sửa đổi luật nhằm giúp họ dễ dàng ban bố lệnh sơ tán trong các trường hợp cần thiết. Những sửa đổi này gồm ban hành các luật mới để đưa ra yêu cầu sơ tán cũng như một hệ thống diễn tập trên toàn quốc được tổ chức với sự phối hợp của Bộ Quốc phòng.
Thời gian gần đây, người dân Nhật hoang mang vì Triều Tiên và Mỹ có những lời lẽ công kích nhau, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng tấn công quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng.