Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 13-4 cho biết đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh các quan chức cấp cao ở Mỹ cảnh báo một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Trung Quốc và Triều Tiên đã ký Hiệp ước hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau vào năm 1961 khi họ tìm cách đối phó với các cường quốc phương Tây. Theo hiệp ước, nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang, bên còn lại phải trợ giúp ngay lập tức, trong đó có hỗ trợ quân sự. Tuy nhiên, hiệp ước cũng cho hay hai quốc gia nên canh giữ hòa bình và an ninh.
Hiệp ước hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau giữa Trung Quốc - Triều Tiên vào năm 1961. Ảnh: SCMP
Đối với Trung Quốc, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng vi phạm hiệp ước giữa hai nước. Vì thế, Bắc Kinh không có nghĩa vụ “dang tay giúp đỡ” Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên bị tấn công, theo giới quan sát. Thậm chí cho dù sự can thiệp của Mỹ không được xem là một cuộc tấn công vũ trang thì Bắc Kinh cũng chẳng cần phải làm gì cả.
“Thật khó để nói Trung Quốc sẽ hỗ trợ Triều Tiên về mặt quân sự như thế nào trong trường hợp xảy ra binh biến, vì Bình Nhưỡng đang phát triển vũ khí hạt nhân - một hành động vi phạm hiệp ước giữa hai nước” - Li Jie, một đại tá hải quân Trung Quốc về hưu, cho biết.
Nhà phân tích quân sự ở Thượng Hải Ni Lexiong đánh giá Trung Quốc sẽ cần phải hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên nếu lực lượng Mỹ tấn công, song sự vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc là “lý do chính đáng” để Bắc Kinh quyết định không ra tay giúp đỡ.
Các đe dọa về hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên đã và đang tăng lên bằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đã chuẩn bị tự hành động đối phó Bình Nhưỡng. Một nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ dẫn đầu đã được triển khai tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ dẫn đầu đã được triển khai tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, Bắc Kinh, xương sống kinh tế của Triều Tiên lo sợ sự sụp đổ của chính phủ Triều Tiên có thể dẫn tới dòng người tị nạn ùa vào Trung Quốc, đồng thời làm mất đi vùng đệm ngăn binh sĩ Mỹ tiếp cận biên giới Trung Quốc.
Dù vậy, ông Ni cho rằng khả năng về một cuộc chiến tranh toàn diện là mỏng manh bởi Mỹ không thể đưa lực lượng đất liền vào Triều Tiên, mà chỉ có thể là không kích hoặc phóng tên lửa.
“Tình hình sẽ dễ dàng hơn nhiều cho Trung Quốc trong trường hợp này. Trung Quốc sẽ không phải huy động lực lượng mặt đất của đất nước để giúp Triều Tiên. Trung Quốc sau đó chỉ cần đưa Hạm đội Bắc hải hoặc máy bay quân sự tăng cường tuần tra ở bán đảo Triều Tiên” - ông Ni nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Zhou Chenming thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Knowfar cho rằng chiến tranh ở Triều Tiên là không thể bởi vì tất cả bên có liên quan đang tìm mọi cách để giải quyết căng thẳng. Nhưng nếu xung đột quân sự nổ ra, Trung Quốc có thể giúp Bình Nhưỡng các nguồn cung cấp như thực phẩm và vũ khí, xe tăng cũ chẳng hạn.