Mỹ chưa đủ sức bắn hạ ICBM Triều Tiên

Ba thập niên qua, đã có hàng trăm tỉ USD đổ vào quốc phòng nhưng hiện Mỹ vẫn chưa thể chắc chắn 100% bắn hạ các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đe dọa nước này. Nỗi lo lại chồng nỗi lo sau khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 đủ sức vươn tới Alaska.

Khó mà “ngon giấc”

Tại cuộc họp báo ngày 6-7 ở Ba Lan, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ lãnh nhiều hậu quả nặng nề vì “cách cư xử quá sức tồi tệ” của nước này. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đe dọa Washington sẽ dùng sức mạnh quân sự nếu cần thiết.

Mỹ buộc phải phản ứng mạnh vì mối đe dọa họ đang đối mặt cũng quá lớn. Tờ Politico dẫn nguồn tin các lãnh đạo quân đội Mỹ cho biết: Hệ thống tên lửa đánh chặn thiết kế để bảo vệ Mỹ khỏi ICBM trong các lần thử gần đây có tỉ lệ thất bại khá cao. Hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn mặt đất (GMD) do Tập đoàn Boeing cùng một số nhà thầu quốc phòng thiết kế vẫn chưa đủ sức giúp người Mỹ “ngon giấc”.

Trong lần thử gần nhất ngày 30-5, GMD từ California đã chặn thành công một ICBM. Nhưng đó chỉ là lần thử thành công đầu tiên trong gần 10 năm qua. Thực tế trong bốn lần thử trước đó, chỉ có ba lần GMD thành công. Trong năm lần thử trước nữa, chỉ có hai lần thành công, tương đương 40%.

“40% dĩ nhiên không thể gọi là thành công” - Phil Coyle, cựu lãnh đạo bộ phận thử vũ khí Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định. Tỉ lệ thành công trung bình của GMD được đánh giá là 55%. Nghĩa là cứ hai ICBM Triều Tiên nhắm vào Mỹ, khả năng sẽ có một quả bắn trúng. Theo ông Coyle, sở dĩ khả năng này hạn chế vì đây là phần Mỹ đầu tư phát triển ít nhất sau Chiến tranh lạnh.

Một tên lửa đánh chặn được giữ tại căn cứ Greely (Alaska), nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn mặt đất (GMD). Ảnh: LATIMES

Không còn nhiều thời gian

Hệ thống tên lửa GMD có 36 tên lửa đánh chặn, 32 quả ở căn cứ Fort Greely (Alaska) và bốn quả còn lại ở Vandenberg (California). Cơ quan Tên lửa phòng thủ Mỹ muốn tăng số lượng lên 44 quả vào cuối năm nay.

Phần lớn quan chức đương nhiệm và đã về hưu của quân đội Mỹ đều lo ngại cơ hội bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước một vụ tấn công bất ngờ bằng ICBM là khá mỏng manh. Điều trần Quốc hội tháng trước, Phó Đô đốc James Syring, lúc đó là giám đốc Cơ quan Tên lửa phòng thủ, bày tỏ lo ngại trước đà phát triển tên lửa của Triều Tiên trong sáu tháng qua và “nghi ngờ độ tin cậy” của hệ thống đánh chặn. Theo ông, Mỹ còn cần ít nhất 5-6 năm nữa mới hoàn thiện được khả năng của toàn bộ hệ thống GMD.

Chuyên gia Riki Ellison, nhà sáng lập Liên minh Hỗ trợ tên lửa phòng thủ, lạc quan hơn nói rằng Mỹ cần khoảng… bốn năm để hoàn thiện GMD. Nhưng tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên nhanh hơn mọi người nghĩ, chuyên gia tên lửa John Schilling báo động. Triều Tiên chỉ cần 1-2 năm nữa để hoàn thiện ICBM đủ sức đặt Mỹ vào tầm ngắm. Lầu Năm Góc đang chạy đua với thời gian nhưng có vẻ “vận động viên” này cần một quyền trợ giúp.

Ngoài hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD), Mỹ còn các hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis triển khai trên các tàu chiến của hải quân Mỹ và trên mặt đất, hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống tên lửa đạn đạo đất đối không tầm xa Patriot (PAC). Hệ thống GMD là sản phẩm của Boeing. Hai hệ thống THAAD và Aegis là sản phẩm của tập đoàn quốc phòng Lochheed Martin Corp. Hệ thống Patriot là sản phẩm của Tập đoàn Raytheon.

_________________________________

189,7 tỉ USD đã được chi phát triển tên lửa phòng thủ ở Mỹ từ năm 1985 đến nay. Chi phí dành cho hệ thống tên lửa GMD là ít nhất với 40 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm