Triều Tiên phóng thành công ICBM gây sửng sốt

Sáng 4-7, Bình Nhưỡng cho phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-14 từ tỉnh Bắc Pyong hướng ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định tên lửa Triều Tiên đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế nước này sau khi bay gần 40 phút.

Thành công vượt bậc?

Ngay trong chiều cùng ngày, đài truyền hình Triều Tiên cho phát bản tin đặc biệt khẳng định nước này đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo đó, tên lửa Hwasong-14 đã đạt được độ cao 2.802 km và di chuyển được 933 km.

Vụ phóng thử được đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát. Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên khẳng định vụ thử nghiệm đánh dấu “bước cuối cùng” trong công cuộc xây dựng một “cường quốc hạt nhân bản lĩnh và hùng mạnh có khả năng đánh tới mọi nơi trên thế giới”, theo AP.

Tokyo sáng 4-7 cũng ước đoán tên lửa Triều Tiên đạt được độ cao bỏ xa cột mốc 2.500 km. Còn Bộ Tổng Tham mưu liên quân Hàn Quốc ước tính tên lửa Triều Tiên bay được 800-900 km.

Nếu các thông số này đều chính xác, đây sẽ là vụ thử tên lửa thành công nhất từ trước đến nay của Triều Tiên và Hwasong-14 sẽ trở thành ICBM đầu tiên của nước này. Với cao độ và tầm bắn vừa được công bố, chuyên gia tên lửa Mỹ David Wright cảnh báo tên lửa này có thể đủ sức vươn đến tận Alaska, theo AP.

Hình ảnh tại điểm phóng thử tên lửa Hwasong-14 diễn ra vào ngày 4-7, do đài truyền hình Triều Tiên công bố. Ảnh: AP

Rủi ro tăng cao

Tổng Thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã từ chối bình luận liệu tên lửa được thử nghiệm có đúng là một ICBM hay không. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đang chờ xác thực tuyên bố của đài truyền hình Triều Tiên.

Việc Bình Nhưỡng bổ sung được ICBM vào kho tên lửa quốc gia sẽ tạo ra bước ngoặt lớn đối với cục diện đối đầu hạt nhân tại khu vực. Vụ thử nghiệm cũng sẽ “dội gáo nước lạnh” vào các tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ phóng thành công ICBM. Đó cũng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính sách an ninh Mỹ. Nhiều chuyên gia tên lửa từng cho rằng Triều Tiên phải mất nhiều năm nữa mới phát triển được công nghệ ICBM.

Quyết định phô trương sức mạnh được Bình Nhưỡng đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào ngày 7-7. Không chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc, ngay cả Trung Quốc cũng lập tức lên tiếng chỉ trích hành động của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Cùng ngày 4-7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng ra cảnh báo Triều Tiên đừng vượt “lằn ranh đỏ” về an ninh. Ông đề nghị Bình Nhưỡng lập tức chấm dứt các hành động khiêu khích, tránh những hậu quả nghiêm trọng.

Nỗ lực đối thoại  

Mặc dù kịch liệt phản đối vụ phóng tên lửa, các quan chức Hàn Quốc cho biết Seoul vẫn để mở cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng. Cùng ngày, Hàn Quốc đã cho phép một nhóm viện trợ liên hệ với Triều Tiên để hỗ trợ nhân đạo, theo Yonhap. Quyết định này được Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đưa ra trước khi đài truyền hình Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm ICBM thành công. “Chính phủ sẽ phản ứng cứng rắn với các vụ phóng tên lửa nhưng sẽ không thay đổi lập trường về trao đổi cấp tư nhân” - một quan chức cấp cao Hàn Quốc khẳng định với Yonhap.

___________________________

6.700 km là tầm bắn tối đa mà Hwasong-14 có thể đạt được nếu các thông số Triều Tiên công bố là chính xác và đủ sức vươn tới Alaska, theo David Wright.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm