Sau hai ngày chịu đựng những lời cảnh cáo khiêu khích của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đêm 8-8 đã đưa ra lời phản pháo đầy đe dọa: “Tốt nhất họ (Triều Tiên) không nên có thêm bất cứ đe dọa nào nữa, nếu không họ sẽ hứng chịu hỏa lực và thịnh nộ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến”. Phản ứng nóng nảy của ông Trump đang bị chỉ trích là quá bất cẩn và nguy hiểm, có thể dẫn tới xung đột trên bán đảo Triều Tiên.
Thêm dầu vào lửa
Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng đe dọa của ông Trump không giúp ích gì cho tình hình hiện tại. Theo Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ) Daryl Kimball, lời đe dọa của ông Trump “rất nguy hiểm, bất cẩn và chỉ phản tác dụng”. Ông Jon Wolfsthal, trợ lý đặc biệt về kiểm soát vũ khí và hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân của cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng ông Trump đang đổ thêm dầu vào lửa bất chấp các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain chỉ trích ông Trump đáng lẽ không nên thêm đe dọa Triều Tiên, trừ khi thật sự sẵn sàng hành động. Theo nghị sĩ đảng Dân chủ Joaquin Castro, ông Trump cần chấm dứt các phát ngôn nguy hiểm tương tự. Ông Castro cho rằng Mỹ cần chứng tỏ mình là một đối tác tin cậy cho các đồng minh, có thể tự kiềm chế khi bị Triều Tiên khiêu khích.
Vài giờ trước khi ông Trump dọa đánh Triều Tiên, tờ The Washington Post đã tiết lộ các đánh giá tình báo mật từ Cục Quân báo Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng đã chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể lắp được vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhưng không kết luận Triều Tiên đã thử đầu đạn này hay chưa. Cục Quân báo Mỹ cũng cho biết số bom hạt nhân của Triều Tiên đã tăng đáng kể, ước tính lên tới 60 quả.
Máy bay ném bom B-B1 Lancer chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam đến Nhật Bản tập trận ngày 8-8. Ảnh: US AIR FORCE
Vì sao ngắm đến Guam?
Các chuyên gia Mỹ về Triều Tiên cho rằng các tuyên bố hiếu chiến từ Washington sẽ chỉ khiến Bình Nhưỡng tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân để phòng ngừa nguy cơ bị đánh phủ đầu. Các lo ngại này không hề thừa thãi. Chỉ vài giờ sau lời đe dọa của ông Trump, Triều Tiên tuyên bố đang cân nhắc nghiêm túc một vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 vào khu vực đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Theo Đài truyền hình KCNA, tên lửa sẽ được phóng bất cứ lúc nào lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh.
Theo Chủ tịch ĐH Guam Robert F. Underwood, cứ mỗi khi có sự bất đồng, đe dọa nào đó từ các nước với Mỹ thì Guam luôn là điểm bị đe dọa tấn công. Đảo Guam là nơi Mỹ có các căn cứ không quân và hải quân chiến lược then chốt, có cảng tàu ngầm hạt nhân cùng 6.000 lính Mỹ.
Cách Triều Tiên 3.200 km, cách Hawaii 5.300 km, Guam chính là biểu tượng sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương, theo The Washington Post. Khi các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc do dự cho Mỹ bổ sung quân đồn trú, sức mạnh quân sự ở đảo Guam giúp giảm rất nhiều áp lực các chiến lược gia Lầu Năm Góc. Tấn công Guam sẽ giáng một đòn nặng ký vào quyền lợi Mỹ ở khu vực. Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ chưa tăng mức cảnh báo tại đảo Guam sau đe dọa của Triều Tiên.
Mỹ hôm 8-8 đã triển khai hai máy bay ném bom chiến lược đến bán đảo Triều Tiên để tập trận với Nhật Bản và Hàn Quốc giữa bối cảnh căng thẳng ở khu vực này vẫn chưa hạ nhiệt. Trước lời đe dọa của ông Trump một ngày, tướng không quân về hưu của Mỹ Tom McInerney tuyên bố Mỹ sẽ san bằng Triều Tiên chỉ trong 15 phút nếu nước này dám tấn công hạt nhân Mỹ hay đồng minh Hàn Quốc. ___________________________________ 61% người Mỹ không yên tâm về khả năng xử lý khủng hoảng Triều Tiên của ông Trump, theo một thăm dò mới của CBS News. |