Triều Tiên ngày 9-8 tuyên bố đang cân nhắc cẩn thận kế hoạch phóng tên lửa đến khu vực đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Lời cảnh cáo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ cho Triều Tiên hứng chịu “hỏa lực và thịnh nộ” chưa từng có nếu nước này dám có thêm bất kỳ đe dọa nào với Mỹ.
“Quân đội Triều Tiên đang xem xét cẩn thận kế hoạch hành động, đánh vào các khu vực quanh đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo chiến lược từ tầm trung đến tầm xa Hwasong-12” - KCNA dẫn lời một người phát ngôn quân đội Triều Tiên, cho biết kế hoạch này sẽ được thực hiện bất cứ lúc nào một khi lãnh đạo Kim Jong-un ra quyết định.
Mỹ có một căn cứ quân sự trên đảo Guam, là nơi có một đội tàu ngầm, một cơ sở không quân và lực lượng tuần tra bờ biển. Trong khi đó, một người phát ngôn khác của quân đội Triều Tiên cáo buộc Mỹ muốn chiến tranh và Triều Tiên sẽ đáp trả mạnh, không loại trừ tấn công tới đất Mỹ.
Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên trong một lần thử. Ảnh: KCNA
Trước đó ông Trump lên tiếng đe dọa sẽ trả lời bằng “hỏa lực và thịnh nộ” nếu Triều Tiên có thêm bất cứ lời đe dọa tấn công nào với Mỹ. “Tốt nhất họ không nên có thêm bất cứ đe dọa nào nữa. Nếu không họ sẽ hứng chịu hỏa lực và thịnh nộ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến” - ông Trump nói với báo chí từ New Jersey (Mỹ) ngày 8-8.
Sau khi Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt mới ngày 5-8, Triều Tiên liên tục có tuyên bố đe dọa, chủ yếu nhắm vào Mỹ.
Từ khi nhậm chức, chính phủ Trump thường xuyên cảnh cáo sẵn sàng dùng vũ lực đánh phủ đầu để ngăn chặn các chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên, dù vẫn ưu tiên phương án ngoại giao và trừng phạt. Nhằm thể hiện sức mạnh, ngày 7-8, Mỹ triển khai 2 máy bay ném bom B-1 từ đảo Guam đến vùng trời bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên không giấu giếm việc mình đang phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới đất Mỹ. Bao lâu nay Triều Tiên kiên quyết lờ đi kêu gọi và cả trừng phạt quốc tế nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân, tên lửa, nói tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) là vũ khí phòng vệ cần thiết trước sự thù địch của Mỹ. Washington Post ngày 8-8 dẫn đánh giá tình báo mật của Mỹ cho biết Triều Tiên đã chế tạo thành công một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể lắp vào tên lửa.
Lời đe dọa chưa có tiền lệ của một tổng thống Mỹ cộng với đà phát triển nhanh năng lực vũ khí của Triều Tiên làm tình hình trở nên đặc biệt nguy hiểm, khiến nhiều nhà phân tích và chính trị gia Mỹ lo lắng có thể dẫn tới xung đột ở bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia Mỹ về Triều Tiên lâu nay vẫn cho rằng các tuyên bố hiếu chiến từ phía Mỹ sẽ càng khiến Triều Tiên quyết tâm theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân để phòng ngừa nguy cơ bị Mỹ tấn công.
“Tôi không biết ông ấy đang nói cái gì và từ lâu rồi tôi đã không còn cố gắng hiểu những lời ông ấy nói nữa. Tôi không chắc tuyên bố dạng này sẽ giúp được gì” - thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain phản ứng. Theo ông McCain, ông Trump không nên đưa ra lời đe dọa nào với Triều Tiên, trừ khi đã sẵn sàng hành động.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần thị sát thử tên lửa. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó theo chuyên gia Daryl Kimball, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ), lời đe dọa của ông Trump “rất nguy hiểm, bất cẩn và phản tác dụng”, điều cần thiết là “đối thoại để giảm căng thẳng và tránh tính toán sai lầm”.
Ông Jon Wolfsthal, trợ lý đặc biệt về kiểm soát vũ khí và hạn chế sản xuất vũ khí hạt nhân của Tổng thống Barack Obama, cho rằng ông Trump đang đổ dầu vào lửa trong khi chính phủ Obama đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng.
Trong khi đó theo ông Jim Walsh, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên luôn có nguy cơ xảy ra bắt nguồn từ sự hiểu sai và tính toán sai.