Trung Quốc sẽ phải trả cái giá đắt nhất so với các nước để thực hiện nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an LHQ với Triều Tiên vì có quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước này. Nhưng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận để thực hiện nghị quyết. Đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) ở Manila, Philippines ngày 7-8.
“Với quan hệ kinh tế truyền thống của Trung Quốc với Triều Tiên, để thực hiện nghị quyết này Trung Quốc là nước phải trả giá đắt nhất. Nhưng vì để bảo vệ hệ thống hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt của quốc tế, đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, Trung Quốc sẽ thực hiện nghiêm túc và toàn diện toàn bộ nội dung của nghị quyết liên quan, như trước nay đã tuân thủ” - Bộ trưởng Vương Nghị khẳng định nghị quyết trừng phạt mới thể hiện sự phản đối của Trung Quốc và cộng đồng thế giới với các vụ thử tên lửa liên tục tiếp diễn của Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Diễn đàn ARF ở Manila (Philippines) ngày 7-8. Ảnh: REUTERS
Nghị quyết mới nhất trừng phạt Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa và hạt nhân được 15 nước thành viên HĐBA LHQ đồng lòng thông qua ngày 5-8. Các biện pháp trừng phạt lần này nhắm vào các ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên như than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì, hải sản. Nghị quyết cũng cấm các nước thu nhận thêm lao động Triều Tiên, cấm mở các dự án hợp tác với Triều Tiên hay đầu tư mới ở các dự án hợp tác có sẵn. Mục tiêu nghị quyết nhằm cắt giảm 1/3 nguồn thu từ xuất khẩu của nước này, hiện ở mức 3 tỉ USD/năm.
Trước đây Trung Quốc thường nói sẵn sàng thực hiện các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, nhưng cũng cảnh báo sẽ không để ảnh hưởng đến thương mại “bình thường” giữa hai nước cũng như đến người dân Triều Tiên.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Vương Nghị cũng nhắc đến một nội dung trong nghị quyết: bên cạnh trừng phạt cần khôi phục đối thoại sáu bên về hạt nhân Triều Tiên.
Cũng theo ông Vương Nghị, Trung Quốc đánh giá cao lời nói của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Mỹ sẽ không tìm cách lật đổ chính phủ Triều Tiên và có thể sẽ đối thoại với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) bước ngang qua bàn của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị Các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á và các đối tác ở Manila (Philippines) ngày 7-8. Ảnh: REUTERS
Vài ngày trước, Ngoại trưởng Tillerson nói Mỹ sẽ không theo đuổi thay đổi thể chế hay khiến Triều Tiên sụp đổ, không theo đuổi hợp nhất bán đảo Triều Tiên hay tìm cớ đưa quân Mỹ vào Triều Tiên. Theo ông Vương Nghị, lời hứa “4 không” của ông Tillerson là tín hiệu tích cực, và hy vọng Triều Tiên sẽ phản ứng tốt với tín hiệu này từ phía Mỹ.
Phát biểu tại ARF ngày 7-8, Ngoại trưởng Tillerson để mở khả năng đối thoại với Triều Tiên, rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại nếu Triều Tiên ngưng các vụ thử tên lửa hàng loạt hiện tại.