Sau lệnh trừng phạt, Triều Tiên càng quyết tâm

Triều Tiên vừa nhận thêm nghị quyết trừng phạt thứ tám của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong vòng 11 năm. Nghị quyết trừng phạt đầu tiên là khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu năm 2006. Tưởng chừng sự khắt khe ngày càng tăng của các nghị quyết trừng phạt sẽ buộc được Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân, tên lửa của mình. Nhưng thực tế Triều Tiên lại ngày càng quyết liệt theo đuổi. Càng bị trừng phạt, sức mạnh hạt nhân và tên lửa Triều Tiên càng tăng.

Khó làm Triều Tiên chùn chân

Trong 11 năm qua (2006-2017), các nghị quyết trừng phạt có hiệu quả rất ít do không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Những liều “thuốc đắng” dành cho Triều Tiên đã không phát huy được tác dụng.

Nghị quyết mới nhất trừng phạt Triều Tiên vì hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tháng 7-2017 được 15 nước thành viên HĐBA LHQ đồng lòng thông qua ngày 5-8. Các biện pháp trừng phạt lần này nhắm vào các ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên như than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì, hải sản. Nghị quyết cũng cấm các nước thu nhận thêm lao động Triều Tiên, cấm mở các dự án hợp tác với Triều Tiên hay đầu tư mới ở các dự án hợp tác có sẵn. Mục tiêu nghị quyết nhằm cắt giảm 1/3 nguồn thu từ xuất khẩu của nước này, tương đương 1 tỉ USD/năm, theo ước tính của Mỹ.

Theo The New York Times, con số 1 tỉ USD/năm thiệt hại của Triều Tiên mà Mỹ ước tính chỉ xảy ra với điều kiện tất cả cường quốc cùng hợp tác. Theo cựu đại sứ Mỹ tại LHQ David Pressman, nghị quyết trừng phạt mới nhất là “bước đi quan trọng và cần thiết”. Nhưng cũng giống các nghị quyết trước, nó sẽ không hiệu quả nếu không có sự hợp tác của Bắc Kinh và Moscow, vốn trước giờ đều không sẵn lòng trừng phạt Triều Tiên.

Tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) ở Philippines ngày 7-8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị tuyên bố nước này sẵn sàng chấp nhận trả giá đắt để thực hiện nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên theo Reuters, trước đây TQ từng nhiều lần nói sẵn sàng thực hiện các nghị quyết của HĐBA LHQ nhưng cũng nhấn mạnh sẽ không để ảnh hưởng đến thương mại “bình thường” giữa hai nước cũng như đến người dân Triều Tiên. Dù thế nào, viễn cảnh một Triều Tiên bất ổn luôn là nỗi ám ảnh với TQ láng giềng.

Trong khi đó, theo tờ The Atlantic, các biện pháp trừng phạt mới nếu được thực hiện cũng chỉ gây khó khăn hơn cho người dân Triều Tiên chứ không gây ảnh hưởng dài hạn nào đến chính phủ Bình Nhưỡng. Gần 11 năm chịu trừng phạt đủ để nước này tìm được nhiều cách lách luật. Như Reuters từng đưa tin, hải sản Triều Tiên dù bị cấm nhưng lâu nay vẫn xuất sang các nước khác dưới nhãn mác TQ. Lệnh trừng phạt lần này có thể cũng không đủ sức cản trở các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên hay ép được nước này quay lại bàn đàm phán.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho trong một buổi diễn thuyết tại LHQ. Ảnh: EDUARDO MUNOZ

Rủi ro sau lệnh trừng phạt

Không khác các trừng phạt trước, lần này lại bắt đầu vòng luẩn quẩn: trừng phạt - khiêu khích, đe dọa - lại trừng phạt. Cứ sau mỗi lệnh trừng phạt, sức mạnh hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên lại được phát triển và thị uy mạnh hơn lần trước.

Triều Tiên đã bắt đầu phát đi các tín hiệu cảnh báo đáp trả. Tại Philippines ngày 7-8, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho gọi các biện pháp trừng phạt là phản ứng thể hiện sự sợ hãi của Mỹ, tuyên bố không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Ông Ri cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ “gấp hàng ngàn lần”, rằng Triều Tiên không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân với bất cứ nước nào trừ Mỹ, nói Washington đã lầm to nếu nghĩ mình an toàn.

Fox News ngày 7-8 dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết vệ tinh tình báo Mỹ vài ngày trước đã phát hiện Triều Tiên triển khai hai tên lửa hành trình chống hạm Stormpetrel lên một tàu tuần tra lớp Wonsan ở khu vực Toejo Dong, bờ biển phía Đông nước này. Theo dự đoán của các quan chức Lầu Năm Góc, khả năng lớn Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa trong vài ngày tới. Đây cũng có thể là thông điệp răn đe của Bình Nhưỡng vì hải quân Mỹ triển khai thêm tàu chiến đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7-8 đã bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ phát đi thông điệp “ngưng thử tên lửa và chuẩn bị đối thoại”. Trước đó, ông Tillerson cũng nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng rằng mục tiêu của Mỹ không phải là lật đổ chính phủ Bình Nhưỡng hay khiến Triều Tiên sụp đổ, cũng không theo đuổi hợp nhất bán đảo Triều Tiên hay tìm cớ đưa quân Mỹ vào Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đánh giá cao lời hứa “bốn không” của ông Tillerson là tín hiệu tích cực và hy vọng Triều Tiên sẽ phản ứng tốt với tín hiệu này từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, các phát ngôn đáp trả và các động thái quân sự mới nhất của Triều Tiên cho thấy nước này không chùn chân trước những đe dọa và đòn trừng phạt quốc tế. Khi các lệnh trừng phạt đã không còn là liều thuốc lý tưởng, có lẽ Washington và cộng đồng quốc tế cần cân nhắc thay đổi cách tiếp cận.

Sách trắng quốc phòng Nhật công bố ngày 8-8 cảnh báo Triều Tiên vẫn là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm bất chấp trừng phạt của LHQ. Hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tháng qua của Triều Tiên đều rơi xuống biển Nhật Bản. Sau hai vụ thử ICBM của Triều Tiên, nhiều địa phương ở Nhật đã diễn tập sơ tán phòng nguy cơ bị tên lửa tấn công. Nhu cầu hầm trú ẩn bom hạt nhân tăng cao, theo Yonhap.

_____________________________

76% người Mỹ ủng hộ có hành động mạnh với Triều Tiên, theo thăm dò của Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago (Mỹ) thực hiện tháng qua. 75% người Mỹ cho Triều Tiên là “mối đe dọa chủ yếu” với Mỹ. Con số này vào năm 2016 là 60% và năm 2015 là 55%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm