Không hề cảnh báo sẽ đánh, thậm chí mới đây còn nói ưu tiên không phải là lật đổ thể chế mà là đánh tổ chức Nhà nươc Hồi giáo tự xưng (IS), đột nhiên Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh nã 59 quả tên lửa vào sân bay quân sự Syria.
Trong khi đó với vấn đề Triều Tiên, ông Trump luôn miệng cảnh cáo tấn công phủ đầu, rằng mọi phương án đều được tính đến. Nhưng đến giờ đây tất cả vẫn chỉ là những lời đe dọa "vô hại". Theo phân tích của tờ The New York Times, đây là do tấn công Triều Tiên sẽ mang lại rủi ro hơn rất nhiều so với nã tên lửa vào Syria.
Phương án phi thực tế
Giới chức và chuyên gia Hàn Quốc lo ngại tấn công phủ đầu Triều Tiên - dù chỉ giới hạn tấn công vào các căn cứ hạt nhân hay tên lửa - cũng có thể kích động một sự trả đũa nghiêm trọng dẫn tới chiến tranh quy mô lớn. Mà thủ đô Seoul của Hàn Quốc lại nằm trong tầm bắn của vô số tên lửa Triều Tiên dọc biên giới.
Vì lý do này, viễn cảnh đánh phủ đầu Triều Tiên trước giờ vẫn luôn bị Hàn Quốc bác bỏ như một phương án phi thực tế. Tuy nhiên, nhà phân tích Cheong Seong-chang tại Viện Sejong (Hàn Quốc) - chuyên nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia - lo ngại việc ông Trump làm tổng thống Mỹ hiện tại thì phương án phi thực tế này có thể sẽ được thực hiện.
Nhiều nhà hoạch định kế hoạch quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có nỗi lo tương tự. “Quân đội rất quan tâm duy trì vị thế phòng vệ ở bán đảo Triều Tiên và nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của việc leo thang chiến tranh” - ông Derek H. Chollet, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế, nhận định.
Hai đặc phái viên hạt nhân Trung Quốc Vũ Đại Vĩ (trái) và Hàn Quốc Kim Hong-kyun (giữa) cùng Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun byung-se tại Seoul ngày 10-4. Ảnh: NEW YORK TIMES
Theo ông Chollet, so với Triều Tiên, rủi ro leo thang chiến tranh ở Syria thấp hơn. Lý do là Tổng thống Syria Bashar al- Assad không khó đối phó bằng lãnh đạo Kim Jong-un, khả năng kiểm soát kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Syria cũng cao hơn Triều Tiên. “Một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân là một câu chuyện hoàn toàn khác” - theo ông Chollet.
Gặp nhau ngày 10-4 tại Hàn Quốc, hai đặc phái viên hạt nhân Trung-Hàn đã không bàn lời nào về khả năng Mỹ sẽ tấn công quân sự Triều Tiên. Tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe mới đây dù nói ủng hộ Mỹ nã tên lửa Syria nhưng lại không bình luận gì về khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên. Nhiều quan chức cấp cao Nhật nói thẳng nếu Mỹ có kế hoạch này thì họ sẽ phản đối.
Mỹ đang lúng túng trong đối phó Triều Tiên
Lúc này Mỹ đang di chuyển đội tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đến gần bán đảo Triều Tiên. Đây là động thái khá bất thường vì đội tàu này mới tham gia tập trận ở khu vực này tháng trước. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thì đội tàu này quay lại nhằm ngăn chặn hành động khiêu khích của Triều Tiên trong vài tuần tới, khi nước này trải qua nhiều dịp kỷ niệm. Có lo ngại Triều Tiên sẽ thử hạt nhân trong ngày 15-4 tới, sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Il-sung.
Tàu sân bay USS Carl Vinson tại biển Busan (Hàn Quốc) tháng 3-2017. Ảnh: AP
Trong khi nhiều người lo động thái này sẽ gây căng thẳng thì New York Times lại nhận định động thái này cho thấy Mỹ đang lúng túng trong đối phó Triều Tiên. Theo đó, chỉ phô diễn sức mạnh quân sự thì không đủ để kiềm chế lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng hai lần cho triển khai tàu sân bay George Washington đến Hoàng Hải nhưng cũng không đe dọa được ông Kim Jong-il, cha ông Kim Jong-un.
Khả năng lớn nhất là Mỹ sẽ theo đuổi trừng phạt thứ phát liên quan Triều Tiên, nhắm đến các công ty và ngân hàng hỗ trợ Triều Tiên phát triển vũ khí. Câu hỏi là liệu Trung Quốc có hợp tác hay không. Hay liệu ông Trump có đơn phương trừng phạt, bất chất rủi ro gãy đổ quan hệ với Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng sự khó đoán của ông Trump có thể là một đòn bẩy mang lại lợi thế cho ông trước Trung Quốc. Ông Michael J. Green, cố vấn Tổng thống George W. Bush về châu Á nhắc lại cuộc thương lượng giữa Mỹ với Trung Quốc và Triều Tiên khi ông Bush nới bắt đầu đưa quân vào Iraq năm 2003. Phía Trung Quốc đã thay đổi đáng kể giọng điệu và có phần tạo áp lực hơn với Triều Tiên sau đó.
Ông Victor D. Cha, cố vấn cấp cao về Triều Tiên của Tổng thống Bush cũng đồng tình khả năng này: “Khác với sự khó lường của Triều Tiên, hầu hết các nước đều đánh giá Mỹ qua sự ổn định và đánh tin. Lần duy nhất tôi thấy Trung Quốc lo sợ là lúc họ không chắc được Mỹ sẽ làm gì”.
Có thể hiểu việc Mỹ nã tên lửa Syria trong lúc ông Trump đang ăn tối cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo hai hướng: Quan chức Mỹ thì nói sẽ khiến ông Tập chịu nghe lời ông Trump hơn trong vấn đề Triều Tiên, trong khi nhiều chuyên gia nói càng khiến Trung Quốc khẳng định nỗi sợ rằng ông Trump là một người không nhất quán và khó lường.