Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp sang Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump. Trong lúc này, tình hình biên giới Trung Quốc với Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng hơn bình thường, mọi dự án kinh tế chung dọc biên giới đang bị ngưng lại.
Đặc khu Đông Bắc Á nối thị xã Hòa Long thuộc tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc với Khu du lịch Quốc tế Maofeng và cảng Chongjin của Triều Tiên. Đặc khu Đông Bắc Á sẽ gồm các sân đánh golf, những cánh đồng Việt quất, bãi cưỡi ngựa, các trung tâm hậu cần và thương mại phục vụ cho mọi ngành hàng từ gỗ cho tới vải.
Lính biên phòng Triều Tiên canh gác tiền đồn dọc sông Yalu nhìn qua Trung Quốc, ngày 31-3. Ảnh: REUTERS
Đặc khu Đông Bắc Á sẽ nối Trung Quốc và Triều Tiên qua các tuyến hàng không, đường bộ, đường sắt. Mục tiêu của đặc khu kinh tế này là xuất khẩu sản phẩm của cả hai nước qua ngả Chongjin đến Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Hiện mục tiêu này đang bị ách lại vì vướng các lệnh trừng phạt quanh các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tại dự án xây dựng Đặc khu Đông Bắc Á ở làng Nam Bình thuộc tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) giáp Triều Tiên có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều công trình còn đang xây dang dở bị ngưng giữa chừng. Các công trình này được lên kế hoạch thực hiện từ năm 2011 với kinh phí 30 tỉ nhân dân tệ (4,36 tỉ USD) phục vụ hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đã bị ngưng trệ nhiều tháng nay mà không có lý do chính thức nào được thông báo.
Đi về phía nam khoảng 700 km, gần TP Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), có thể thấy cây cầu Yalu Mới nối hai nước cũng đang bị ngưng thi công. Cây cầu này được lên kế hoạch xây dựng từ năm 2010 với chi phí 2,2 tỉ nhân dân tệ, tuy nhiên thời điểm này nó như một minh chứng cho sự trì trệ trong quan hệ kinh tế hai bên.
Hai cây cầu bắc ngang sông Yalu nối thị trấn Sinuiju của Triều Tiên và TP Đan Đông của Trung Quốc, ngày 30-3. Ảnh: REUTERS
Một nhóm nhà báo Reuters mới đây đã đến khu vực này và thấy các xe tải chở hàng phải di chuyển bằng một cây cầu khác bắc qua sông Yalu. Hàng hóa cũng được vận chuyển bằng thuyền qua sông. Theo người dân địa phương thì các mặt hàng này là gỗ và các vật liệu khác. Riêng than thì Trung Quốc đã cấm nhập khẩu từ Triều Tiên từ tháng 2, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 5 và thử nhiều tên lửa đạn đạo tầm trung.
Đặc khu khu Đông Bắc Á sẽ tận dụng lao động và nguyên liệu từ Triều Tiên. Theo lịch thì năm ngoái đã phải có 1.000 lao động Triều Tiên sang làm việc và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 10.000 người, và tăng lên 20.000 người vào năm tới. Tuy nhiên tới giờ các khu tập thể dành cho các lao động này vẫn còn chưa hoàn tất và đặc khu kinh tế vẫn chưa mở cửa hoạt động.
“Chưa có ai đến cả” - quản lý một công trình xây dựng trong đặc khu kinh tế này nói với Reuters.
Theo Reuters Trung Quốc dường như nhạy cảm hơn về vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc đã cắt cử cảnh sát bảo vệ một nhà báo Reuters đến thị xã Hòa Long tuần trước.
“Hiện tại căng thẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang rất cao, ngay cả khu vực hợp tác kinh tế cũng trở thành chủ đề nhạy cảm” - một quan chức địa phương tên Wang Fusheng nói với Reuters. Chính quyền Hòa Long từ chối bình luận thêm.
Du khách Trung Quốc (thuyền phía trước) và thuyền Triều Tiên phía sau trên sông Yalu ngày 1-4. Ảnh: REUTERS
Người dân Trung Quốc ở biên giới cũng rất bất an về Triều Tiên. Năm 2014 từng xảy ra hai sự cố an ninh, ít nhất bảy người Trung Quốc thiệt mạng khi một số người Triều Tiên lẻn qua biên giới và tấn công.
Hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực này cũng rất đông. Xe quân sự tuần tra liên tục. Máy quay an ninh được lắp dọc hàng rào biên giới. Người dân địa phương cho biết tình trạng dân Triều Tiên bỏ trốn qua Trung Quốc đã giảm.
Quan hệ Trung-Triều dự kiến sẽ còn căng thẳng hơn nữa khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Trump. Mỹ muốn Trung Quốc làm áp lực hơn với các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Trong khi đó Trung Quốc nói mình không có sức ảnh hưởng này. Cuối tuần rồi ông Trump còn nói có khả năng Mỹ sẽ dùng thương mại như một đòn bẩy khiến Trung Quốc hợp tác.
Trung Quốc thật ra cũng đã có những bước đi tăng áp lực kinh tế lên Triều Tiên từ sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ 4 vào tháng 1-2016. Tuy nhiên Trung Quốc không muốn mạnh tay khiến Triều Tiên bị sụp đổ vì sợ biên giới mất an ninh khi làn sóng người tị nạn từ Triều Tiên đổ qua Trung Quốc.