Theo Reuters, trong khi Triều Tiên đã và đang phát triển thêm nhiều tên lửa hiện đại với khả năng tấn công bất cứ đâu ở Nhật Bản, Tokyo có khả năng đầu tư vào một phiên trên bộ của hệ thống phòng thủ Aegis trang bị trên tàu chiến. Hệ thống này đã được triển khai trên các tàu chiến ở Biển Nhật Bản.
Binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật đứng trước một đơn vị tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC-3 tại Bộ Quốc phòng Nhật ở Tokyo ngày 21-5-2017. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại một buổi họp báo hàng tháng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Gouqiang cho biết phòng thủ tên lửa là vấn đề thuộc về sự ổn định chiến lược và niềm tin giữa các quốc gia và nên được xử lý thận trọng.
“Đặc biệt là bởi những lý do lịch sử, những động thái liên quan của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự và an ninh đều thu hút sự quan tâm từ các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế. Nhật Bản nên hành động thận trọng trong vấn đề chống tên lửa” – ông Ren nói nhưng không nêu chi tiết.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, đã sụt giảm vì vụ tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển Hoa Đông.
Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, cho rằng radar của hệ thống có thể do thám Trung Quốc và ảnh hưởng an ninh nước này. Washington và Seoul đáp trả rằng THAAD chỉ nhằm giúp phòng thủ trước tên lửa Triều Tiên.