CUỘC ĐUA XE ĐẠP CÚP TRUYỀN HÌNH TP.HCM LẦN THỨ 24-2012

Tôn vinh “Vòng quay cao thượng”

Trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang báo động tình trạng suy đồi đạo đức ở các VĐV, cuộc đua Cúp Truyền hình TP.HCM năm nay đã đưa thêm vào giải thưởng “Vòng quay cao thượng” từ ý tưởng của Pháp Luật TP.HCM. Theo ông Lê Văn Phú, Phó Trưởng ban thường trực cuộc đua, cho biết: “Giải thưởng nhằm mục đích tôn vinh những hành động vì tính cộng đồng, cử chỉ cao thượng của các tay đua cùng những quyết định thể hiện sự công bằng, tính fair play của các thành viên trong đoàn đua. Giải chỉ trao cho các VĐV, HLV, trọng tài, thành viên mô tô… trong đó lực lượng phóng viên sẽ giữ trọng trách cầm cân nảy mực”.

Ngày 14-4 tới, 11 đội xe đạp trong cả nước khởi tranh bằng chặng đua vòng quanh thành cổ Quảng Trị, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị. Chặng đua kế tiếp, các tay đua sẽ có dịp đi qua các địa danh anh hùng như cầu Hiền Lương, nghĩa trang Trường Sơn tiến vào Huế nhân dịp thành phố mở hội festival. Từ đây đoàn đua sẽ vượt đèo Hải Vân đi dọc qua các tỉnh thành miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn sau đó vượt đèo An Khê và Măng Giang đến với ba tỉnh cao nguyên. Trước khi rẽ núi xuống thành phố biển Nha Trang, ngày 22-4 đoàn đua bước vào chặng đấu thứ 8 Pleiku - Kon tum - Đak Tô nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng thị trấn Tân Cảnh.

Tôn vinh “Vòng quay cao thượng” ảnh 1

Đổ đèo Phượng Hoàng và Hải Vân sẽ thử thách sự dũng cảm của các cuarơ. Ảnh: MQ

Để tìm ra chủ nhân chiếc áo vàng 2012 đúng ngày 30-4 lịch sử tại TP.HCM, các tay đua sẽ trải qua chặng 12 cực kỳ gian nan Nha Trang - Đà Lạt, chinh phục hai ngọn đèo Khánh Lê (28 km) và Giang Ly (7 km) có độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển.

Ngoài giải thưởng áo vàng (60 triệu đồng), ban tổ chức cuộc đua còn trao giải áo xanh xuất sắc nhất (20 triệu đồng), giải áo trắng xuất sắc (10 triệu đồng) dành cho tay đua trẻ, giải áo đỏ (30 triệu đồng) cùng chức vô địch đồng đội (50 triệu đồng).

Hòa chung sự phát triển của làng xe đạp thế giới, ban tổ chức sẽ cung cấp xe ô tô cho các đội làm nhiệm vụ tiếp tế thay vì dùng xe máy như các cuộc đua trước đây. Khi đoàn đua vào đèo, lực lượng trọng tài trung gian sẽ kiêm nhiệm vụ tiếp tế (nước, trang thiết bị) khi lãnh đạo đội bị cấm đồng hành cùng các VĐV. Bên cạnh đó, đoàn đua cũng cho đổ đèo Phượng Hoàng và Hải Vân. Đây được xem làm nét mới thể hiện sự tiến bộ và hội nhập của xe đạp Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra sức VĐV và phòng tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, ông Nguyễn Quý Hòa - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, Trưởng ban tổ chức giải cho biết: “Ngoài việc kiểm tra chặt chẽ phiếu khám sức khỏe VĐV, chúng tôi còn lưu ý đội ngũ y tế chăm sóc thật tốt sức khỏe tất cả thành viên đoàn đua”.

Ngoài các chặng đua vòng quanh thành cổ Quảng Trị (14-4), Trường Tiền - Phú Xuân Huế (16-4), Trần Phú - Nha Trang (25-4), bờ hồ Xuân Hương - Đà Lạt (28-4), Đài Truyền hình TP.HCM còn truyền hình trực tiếp chặng thi đấu cuối Bảo Lộc - TP.HCM vào ngày 30-4 trên hai kênh sóng HTV9 và HTVC thể thao.

MINH QUANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm