Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ ra 3 trọng tâm về phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

(PLO)- Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, việc thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết với nội dung “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Mở đầu bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước ta đã và đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết 27/2022 của Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là dấu mốc, là bước chuyển quan trọng.

Trong đó xác định các mục tiêu chủ yếu là xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại.

Cạnh đó là xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045.

“Việc thực hiện thành công các mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ ra 3 vấn đề trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN
Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, chỉ ra ba vấn đề cơ bản cần lưu ý trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Theo ông, trong gần hai năm thực hiện Nghị quyết 27, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, xây dựng pháp luật có nhiều đổi mới, năng lực phản ứng chính sách được nâng cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện pháp luật ngày càng gắn kết hơn với xây dựng và hoàn thiện pháp luật; cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh và có những kết quả nhất định.

“Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai bài bản, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và nhìn nhận điều này đã giúp tăng cường một bước kỷ cương, trách nhiệm, tính nghiêm minh trong thực thi công vụ.

Dù vậy, theo ông, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm suy giảm ý nghĩa, vai trò của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trên thực tiễn.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần tiếp tục phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Cùng đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và phát huy vị trí, vai trò của từng nhân tố này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu chú ý một số vấn đề cơ bản.

Một là, Đảng ta là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội.

Như vậy, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để thực hiện tốt công tác này cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội - cơ quan thực hiện quyền lập pháp, cần đóng vai trò chủ đạo, có các giải pháp bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phát huy vai trò là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật để những vướng mắc trong thực thi các đạo luật được xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, Chính phủ cần theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn, cản trở đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh để có biện pháp xử lý, không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng cường hai yếu tố đức trị và pháp trị

Hai là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ để Nhân dân tham gia hoạt động quản lý Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì cần phải tăng cường đồng thời hai yếu tố đức trị và pháp trị. Trong đó, yếu tố "đức trị" là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ Đảng viên để dẫn dắt yếu tố "pháp trị" là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.

Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền XHCN, vì vậy, cán bộ đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực mình quản lý, do đó, đảng viên là công chức, viên chức cần tích cực giải quyết công việc theo thẩm quyền và hoàn thành tốt nhiệm vụ; chủ động phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là các khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật để kịp thời có giải pháp hoặc tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Khi đó, xã hội sẽ vận hành và phát triển theo đúng đường lối, chính sách mà Đảng đã ban hành. Từ đó, đất nước ta sẽ đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo đúng Cương lĩnh và mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045 mà Đảng ta đã đề ra.

Mỗi chi bộ là một tế bào của Đảng

Ba là, trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Để có dân chủ thực chất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định bên cạnh việc phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện theo các tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN thì sự vận hành hiệu quả của hệ thống chính trị cũng phải đáp ứng, phù hợp với nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

“Cũng tương tự như trong quản lý nhà nước, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng và sự phát huy tính tiền phong, gương mẫu, đức hy sinh vì sự nghiệp chung của cán bộ đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội” – ông một lần nữa nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng để làm được điều này, cần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng, đảm bảo hoạt động sinh hoạt chi bộ thực chất, hiệu quả. Cùng đó, nghiên cứu, bổ sung các chuyên đề như nội dung pháp luật cần triển khai; các vấn đề mà thực tiễn pháp lý đặt ra liên quan đến quyền lợi của người dân; vấn đề phát triển kinh tế-xã hội; các vấn đề dư luận xã hội, quần chúng quan tâm cần định hướng về quan điểm, nội dung chính sách, pháp luật và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…

“Để đạt được các mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì những vấn đề thiết thực này cần được các cấp ủy thảo luận, quán triệt đến đảng viên ngay từ cơ sở với tinh thần mỗi chi bộ là một tế bào của Đảng ta” – người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng để Đảng vững mạnh thì mỗi chi bộ cơ sở cần phát huy vai trò, đổi mới hoạt động sinh hoạt để có những đóng góp thiết thực cho Đảng. Mỗi đảng viên là nhân tố quan trọng lan tỏa tinh thần dân chủ và thượng tôn pháp luật đến nhân dân. Từ đó phát huy dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi cá nhân, tổ chức đồng tình, ủng hộ với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ động tuân thủ, thực thi pháp luật.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ XHCN được phát huy, nhân dân là chủ thể của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật. Những điều này sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Mời độc giả theo dõi toàn văn bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm TẠI ĐÂY.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm